Người hâm mộ bóng đá Việt Nam bắt đầu được nếm chút hương vị của bóng đá quốc tế chính là Giải vô địch bóng đá thế giới - World Cup năm 1978 tổ chức tại Argentina, ngày đó gọi là Argentina'78. Tất nhiên chủ yếu là xem băng hình phát lại chậm khoảng 1 tuần tới 10 ngày.
Người hâm mộ bóng đá Việt Nam bắt đầu được nếm chút hương vị của bóng đá quốc tế chính là Giải vô địch bóng đá thế giới - World Cup năm 1978 tổ chức tại Argentina, ngày đó gọi là Argentina’78. Tất nhiên chủ yếu là xem băng hình phát lại chậm khoảng 1 tuần tới 10 ngày. Điều này cũng không ảnh hưởng gì vì hệ thống truyền thông sơ khai nên coi như là trực tiếp, mà khái niệm truyền hình trực tiếp chưa có ở ta. Mãi cho tới World Cup năm 1986, khi Liên Xô giúp ta xây dựng hệ thống thu nhận tín hiệu vệ tinh Hoa Sen thì người xem chủ yếu ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh mới được xem trực tiếp. Các đài địa phương chủ yếu vẫn phát băng hình.
Trở lại với công việc của bình luận viên (BLV) bóng đá trên truyền hình. So với phát thanh, truyền hình chậm hơn 2 thập kỷ. Đài Tiếng nói Việt Nam đã tường thuật các trận đấu ở sân cỏ trong nước từ thập niên 60 của thế kỷ XX, sau đó phát triển rực rỡ với 3 BLV: Hoài Sơn, Đình Khải và Xuân Bách. Còn Đài Truyền hình Trung ương (tên gọi của Đài Truyền hình Việt Nam thập niên 1980) khi được tiếp cận bóng đá quốc tế nổi tiếng như World Cup, cụ thể ở đây là Argentina’78 là băng hình, có xử lý và tổ chức bình luận, tiếp tới Espana 1982 (World Cup lần thứ 12 tổ chức tại Tây Ban Nha năm 1982) thì đã cơ bản có tiến bộ trong sản xuất bình luận với 2 BLV nổi tiếng Trần Tiến Đức và sau đó là Vũ Huy Hùng. Với Trần Tiến Đức, người xem bóng đá rất ấn tượng về cách bình luận sắc sảo, mạnh mẽ của một người từng trải về thể thao, làm chủ được các kiến thức tổng hợp bóng đá của mình với màu sắc quốc tế. Tiếp nối ông Đức, Đài Truyền hình Trung ương đào tạo một BLV mới rất chuyên nghiệp, đó chính là Vũ Huy Hùng. Vốn là cựu cầu thủ đội bóng đá Thể Công, có chất giọng ấm áp, chừng mực, kiến thức rộng nên Vũ Hùy Hùng thành BLV chủ chốt trong suốt gần 20 năm tiếp theo, cho đến đầu thập niên 1990, khi bóng đá trên truyền hình bùng nổ thì xuất hiện thêm lớp trẻ như: Vũ Quang Huy, Quang Tùng, Đức Hùng…, tiếp tới Anh Ngọc, Long Vũ… Còn hôm nay, hầu như các nhà báo trẻ ở đài đều rất vững vàng trên cương vị bình luận các trận đấu, mặc dù không thực sự nổi bật như lớp đàn anh.
Có người nói BLV bóng đá có ảnh hưởng rất lớn đến người xem. Khác với phát thanh chủ yếu là tường thuật bằng ngôn ngữ để giúp thính giả hình dung diễn biến cùng không khí trận đấu thì BLV truyền hình đúng là “bình”, có nghĩa là bổ sung những điều khán giả chưa biết. Thời điểm đầu của bóng đá truyền hình, các BLV bị ảnh hưởng phát thanh nên hay bị cuốn theo trận đấu, miêu tả những tình huống mà khán giả đang cùng xem với mình, sau này có điều chỉnh nên BLV trở nên chừng mực hơn. Thời điểm này thông tin về các cầu thủ rất hiếm nên những câu bình luận bổ sung về họ rất quý giá, tăng hấp dẫn cho khán giả thưởng thức.
Còn thời điểm hôm nay, khi bóng đá trên truyền hình đã tràn ngập, thông tin đa dạng, khán giả xem quá rành các cầu thủ và đội bóng thì kiểu bình luận xưa đưa thông tin “kể” vào lại thành thừa. Vậy nên, hình thái mới được thực hiện đó là BLV tạo không khí cho người xem bằng ngôn ngữ bóng đá sôi nổi, hóm hỉnh và hiện nay đang tiệm cận giống như kiểu bình của các đài truyền hình nước ngoài, tức là rất tự nhiên theo chất con người xem bóng đá.
Người ta yêu mến BLV Vũ Quang Huy chính là sự trầm ấm, đưa cảm xúc cá nhân ở mức vừa phải, những lời bình sâu sắc mà chí lý. Quang Tùng không hào hoa nhưng lại sôi nổi. Anh Ngọc khí thế hào hoa như các cầu thủ Italia xung trận… Cũng có những BLV nói hoa mỹ quá lắm khi lại phản tác dụng, bởi trong diễn biến trận đấu cảm xúc có khi bột phát mà ta không chuẩn bị về kiến thức thì rất dễ nói sai. Bởi vậy, cần cân nhắc khi đưa tính cá nhân của mình vào bữa tiệc bóng đá mà cả triệu người đang cùng BLV thưởng thức. BLV Vũ Huy Hùng có lần bày tỏ, bình luận trận đấu trọn vẹn thực sự là một công việc của một nhà báo, có khi là một nhà văn, cũng có khi trở thành một nhà nghệ thuật. Có thể nói, công việc bình luận trận đấu đã trở thành một nghệ thuật đầy thẩm mỹ, giúp cho mọi người yêu hơn quả bóng đang lăn.
Mùa World Cup tổ chức tại nước Nga năm nay có thể nói gần như đáp ứng được nhu cầu thị hiếu mê bóng đá của người Việt Nam về khung giờ vàng. Chúng ta được thăm các thành phố, con người nước Nga qua văn học, điện ảnh nổi tiếng như: Rostov bên sông Đông - gợi nhớ đến Sông Đông êm đềm của văn hào Solokhov, Saint Petersburg - Leningrad năm xưa, Volgograd - Stalingrad, Kazan. Sochi và đồi Chim Sẻ nổi tiếng của thủ đô Maxcova… với đầy cảm xúc dạt dào.
Lê Đức Dương