Giải bóng đá bãi biển vô địch quốc gia năm 2017 đã khép lại với niềm vui của đội bóng Đà Nẵng khi bảo vệ thành công chức vô địch. Tuy nhiên, nhìn lại 9 mùa giải đã qua, điều đọng lại của giải đấu bóng đá bãi biển toàn quốc vẫn là sự èo uột của một môn tưởng chừng dễ dàng phát triển.
Giải bóng đá bãi biển (BĐBB) vô địch quốc gia năm 2017 đã khép lại với niềm vui của đội bóng Đà Nẵng khi bảo vệ thành công chức vô địch. Tuy nhiên, nhìn lại 9 mùa giải đã qua, điều đọng lại của giải đấu BĐBB toàn quốc vẫn là sự èo uột của một môn tưởng chừng dễ dàng phát triển.
Dù thi đấu ở Nha Trang - Khánh Hòa, nơi được coi là cái nôi của môn BĐBB toàn quốc, song các cầu thủ đội BĐBB Đà Nẵng lại tỏ ra rất tự tin, vượt trội so với phần còn lại của giải đấu. Điều đó thể hiện khá rõ khi nhà đương kim vô địch có loạt trận toàn thắng ở cả 2 lượt trận đi - về, đặc biệt là những trận thắng khá nhẹ nhàng trước đối thủ cạnh tranh trực tiếp là chủ nhà Khánh Hòa với các tỷ số 3-0; 4-2. Ông Lê Văn Tú - Huấn luyện viên trưởng đội BĐBB Khánh Hòa thừa nhận, 2 năm gần đây, BĐBB Đà Nẵng tiến bộ vượt bậc. Nguyên nhân là nhờ địa phương này có sự quan tâm, đầu tư hơn cho môn BĐBB theo hướng chuyên nghiệp.
BĐBB Khánh Hòa từng thống trị giải vô địch quốc gia, từng được coi là lực lượng nòng cốt đại diện cho tuyển quốc gia tranh tài tại các giải đấu quốc tế như: giải vô địch Đông Nam Á, Đại hội Thể thao bãi biển châu Á… Tuy vậy, đội bóng dù có hay, tài năng đến đâu song để ngự trị trên đỉnh cao thì vẫn phải làm mới mình. BĐBB Khánh Hòa sút kém do phần lớn cầu thủ luống tuổi, một số chuyển nghề vì nghiệp cầu thủ không đủ nuôi sống gia đình; lứa cầu thủ trẻ lại chưa đủ trình độ để thay thế. Đây là những nguyên nhân lý giải vì sao BĐBB Khánh Hòa 3 năm liền chỉ đứng ở hạng nhì.
Trong ngày khai mạc giải đấu này, ông Nguyễn Minh Châu - Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng đá Việt Nam - Trưởng Ban tổ chức giải đã giới thiệu về sự chuyên nghiệp, lớn mạnh của giải. Tuy nhiên, nhìn vào số lượng, chất lượng đội bóng tham dự, không ít người tự hỏi: Giải quốc gia sao chỉ có 4 đội? Giải vô địch toàn quốc sao lại có đội bóng phong trào?…
Theo tìm hiểu, từ lần tổ chức đầu tiên năm 2009 đến nay, trải qua 9 mùa giải nhưng mỗi năm số lượng các đội bóng tham dự ngày càng ít dần, ban đầu có 8 đội và giờ chỉ còn vỏn vẹn 4 đội bóng, trong đó có 3 gương mặt quen thuộc là Khánh Hòa, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế. Chính vì thế, Ban tổ chức thường ưu tiên cho địa phương đăng cai có thêm 1 - 2 đội bóng phong trào để điền vào chỗ trống cho đủ số lượng. Như giải năm nay, Khánh Hòa đăng cai nên bên cạnh đội bóng đại diện tỉnh thuộc biên chế Trung tâm Huấn luyện kỹ thuật thể thao thì có thêm 1 đội phong trào (CR Cam Ranh Club, đội giành hạng nhì giải bóng đá bãi biển tỉnh 2017). Ngay cả đội BĐBB Thừa Thiên Huế, mặc dù nhiều năm liền đội bóng này luôn góp mặt ở giải vô địch quốc gia và đạt không ít thành tích (2 lần vô địch, 2 lần hạng nhì, 3 lần hạng 3) cũng chỉ là đội bóng đi lên từ phong trào của 2 xã Phú Thuận và Thuận An (hay còn gọi là đội bóng Phú Vang Thừa Thiên Huế).
Những ai có mặt và thưởng thức các trận đấu của giải đều thừa nhận rằng các trận đấu BĐBB khá hấp dẫn với nhiều pha bóng đẹp với kỹ thuật đặc trưng của BĐBB. Đây cũng là môn thể thao ít tốn kém nhất, bởi chỉ cần 1 bãi đất cát trống, 2 cầu gôn, các cầu thủ có thể thi đấu với nhau. Nước ta có bờ biển trải dài hơn 3.000km với thời tiết đẹp gần như quanh năm. Những điều này tưởng chừng là điều kiện thuận lợi cho BĐBB phát triển. Ấy vậy mà, giải BĐBB vô địch quốc gia qua 9 mùa giải cũng chỉ quanh quẩn 3 gương mặt quen thuộc là Khánh Hòa, Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế. Điều này cho thấy, BĐBB vẫn chỉ sân chơi nội bộ của các địa phương có quan tâm đầu tư chứ chưa thật sự là một phong trào, một bộ môn thể thao thu hút nhiều người tham gia hưởng ứng.
AN NHIÊN