11:10, 04/10/2017

Cải tổ bóng đá: Bắt đầu từ đâu?

Câu chuyện nóng nhất làng bóng đá Việt Nam lúc này là khát vọng cải tổ nhằm có được một sân chơi chuyên nghiệp, đáp ứng được kỳ vọng của hàng triệu người hâm mộ.

Câu chuyện nóng nhất làng bóng đá Việt Nam lúc này là khát vọng cải tổ nhằm có được một sân chơi chuyên nghiệp, đáp ứng được kỳ vọng của hàng triệu người hâm mộ. Nhưng, vấn đề được đặt ra là công cuộc cải tổ đó nên bắt đầu từ đâu, bởi hơn 20 năm qua, mỗi lần đại hội, VFF đều giương ngọn cờ đổi mới bóng đá nhưng rốt cuộc, nền bóng đá vẫn đang ở mức nghiệp dư.


“Phần ngọn” VFF


Sau mỗi thất bại hay sau mỗi cuộc đấu đá nơi hậu trường, người ta lại sử dụng cụm từ “cách mạng bóng đá” để tìm kiếm sự thay đổi ở VFF. Thường thì có những cá nhân phải trả giá, hoặc đối diện với áp lực phải từ chức sau mỗi lần bóng đá Việt Nam được cho là có vấn đề. Và bây giờ cũng vậy, cuộc tổng tấn công VFF đã được thực hiện trong suốt một năm qua bất luận nền bóng đá theo đánh giá từ Tổng cục Thể dục thể thao là “có rất nhiều điểm sáng về đào tạo trẻ, bóng đá nữ, futsal...”. Đặc biệt, sau thất bại của đội tuyển U22, làn sóng tấn công dữ dội hơn bao giờ hết. Người ta yêu cầu công cuộc chấn hưng nền bóng đá và sa thải đội ngũ lãnh đạo hiện tại của VFF.

 

Các cầu thủ Việt Nam trong một buổi tập

Các cầu thủ Việt Nam trong một buổi tập


Khác với những cuộc “cách mạng” trước đây, lời kêu gọi “chấn hưng bóng đá” không nhận được sự ủng hộ từ đông đảo các đội bóng, giới chuyên gia và truyền thông. Việc không nhận được sự ủng hộ khiến các nhà “chấn hưng” phải dùng đến một số mạng xã hội, hoặc trang mạng cá nhân của những nhân vật có đôi chút ảnh hưởng để gây sức ép với VFF.


Thực ra, không phải giới truyền thông quay lưng lại khát vọng thay đổi, làm tốt hơn nền bóng đá, mà họ hiểu đâu là bản chất vấn đề. Họ không muốn tờ báo hoặc những phát ngôn của mình thành công cụ để đấu đá nơi hậu trường. Hơn thế nữa, người ta hiểu đâu là mặt được, chưa được và khởi nguồn của những vấn đề mà nền bóng đá đang đối diện. Theo đó, những hạn chế của bóng đá nước nhà không chỉ xuất phát từ sự yếu kém của VFF. Thậm chí, VFF chỉ là phần ngọn của cái “cây” bóng đá. Một khi chưa có được những đội bóng chuyên nghiệp, cầu thủ chuyên nghiệp cùng một cơ chế đủ sự thông thoáng thì sự thay đổi ở VFF nếu có cũng không thể giải quyết được triệt để vấn đề.


Hãy bắt đầu từ “gốc”


Bóng đá Việt Nam nhiều lần đối diện với câu hỏi: Làm sao để phát triển? Rồi, những cuộc cách mạng vốn khởi đầu rất ồn ào, hào hứng nhưng rốt cuộc kết quả thu được vẫn là bức tranh muôn năm cũ. Nói đâu xa, hơn một chục năm trước, các ông bầu ào ạt tiến quân vào bóng đá, từ tỉnh này qua tỉnh khác, người ta coi việc doanh nghiệp hóa bóng đá là cái đích của sự phát triển. Thậm chí, những đội bóng không kịp, hoặc không thể doanh nghiệp hóa thì bị coi là lỗi thời, là ốc đảo trong sự phát triển không ngừng nghỉ của bóng đá.


Đến ồn ào, nhưng ra đi cũng vô cùng chóng vánh và tai tiếng, nhiều doanh nghiệp đã khiến bóng đá rơi vào cuộc khủng hoảng trầm kha. Đào tạo trẻ bị buông lỏng, cầu thủ nội mất chỗ đứng, hàng loạt tệ nạn phát sinh từ sự giàu lên quá nhanh khiến bóng đá Việt Nam rơi vào vòng xoáy kim tiền. Hệ quả là chất lượng đầu vào của đội tuyển quốc gia bị ảnh hưởng. Chúng ta thiếu những cầu thủ giỏi, đặc biệt là hàng tiền đạo. Quan trọng nhất, quy mô các giải đấu bị thu hẹp, nhiều đội bóng bị xóa tên khi các nhà tài trợ đào thoát khỏi bóng đá. Và, phải rất lâu nữa, chúng ta mới cân bằng được hệ thống đào tạo trẻ vốn đã bị mai một rất nhiều thời gian qua.


Vậy mới nói, bóng đá Việt Nam nếu tiến hành một cuộc cải tổ triệt để thì hãy bắt đầu từ việc xây dựng lại gốc rễ và cấu trúc cho một sân chơi ổn định, bài bản và có tầm nhìn. Sẽ không có một nền bóng đá tốt nếu thiếu một chân đế rộng và ổn định. Vì thế, điều cần thiết nhất lúc này là phải tạo ra cơ chế để các đội bóng luôn tồn tại, phát triển mà không phụ thuộc hoàn toàn vào sự hưng phấn từ các ông bầu. Nếu không làm được điều này, có thay thế bộ sậu này ở VFF bằng bộ sậu khác thì bóng đá nước nhà cũng khó lòng mà chuyên nghiệp được.


BÌNH GIANG (KTĐT)