11:09, 01/09/2017

Bóng chuyền Việt Nam: Cần sự thay đổi

Đoàn thể thao Việt Nam kết thúc SEA Games 29 với vị trí thứ 3 trên bảng xếp hạng tổng sắp huy chương, đó là một thành công nhưng có phần chưa trọn vẹn. Thành công ấy mang đậm dấu ấn cá nhân của những: Ánh Viên, Kim Sơn, Tú Chinh, Thúy Vi ở các môn bơi lội, điền kinh, wushu…

Đoàn thể thao Việt Nam kết thúc SEA Games 29 với vị trí thứ 3 trên bảng xếp hạng tổng sắp huy chương, đó là một thành công nhưng có phần chưa trọn vẹn. Thành công ấy mang đậm dấu ấn cá nhân của những: Ánh Viên, Kim Sơn, Tú Chinh, Thúy Vi ở các môn bơi lội, điền kinh, wushu…những môn vốn được coi là thế mạnh của chúng ta ở đấu trường khu vực. Tuy nhiên, ở các môn thể thao mang tính tập thể, ngoại trừ bóng đá nữ thi đấu thành công khi giành huy chương vàng, các môn còn lại như: bóng đá nam, bóng chuyền nữ và bóng chuyền nam đều gây thất vọng.

 

Đội tuyển bóng chuyền nam tại SEA Games 29 (nguồn: volleyball)

Đội tuyển bóng chuyền nam tại SEA Games 29 (nguồn: volleyball)


Tuy vậy, nếu nhìn nhận một cách khách quan, trong 3 đội tuyển này từ đây cho đến kỳ SEA Games 31 do nước ta đăng cai, có lẽ chỉ đội bóng chuyền nam là còn cơ hội cải thiện nếu chúng ta mạnh dạn thay đổi. Ông Triệu Tử Thiên, trợ lý huấn luyện viên đội tuyển bóng chuyền nam Việt Nam chia sẻ, sau SEA Games lần này, ông Trần Đức Phấn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao đã có một sự nhìn nhận và đánh giá khả quan cho đội tuyển bóng chuyền nam Việt Nam. Dự kiến sắp tới, Tổng cục Thể dục thể thao và Liên đoàn Bóng chuyền sẽ ngồi lại với nhau để bàn về một sự thay đổi, cụ thể là sẽ có sự chuyển hướng đầu tư cho bóng chuyền nam thay vì chú trọng đội bóng chuyền nữ như trước đây. Và nếu sự thay đổi này được hiện thực hóa, đội tuyển bóng chuyền nam hoàn toàn đủ khả năng vượt mặt Thái Lan hay thậm chí giành vàng ở kỳ SEA Games 31.


Theo ông Thiên, đội tuyển bóng chuyền nam hoàn toàn có cơ sở để thắng người Thái, bởi chúng ta đã làm được điều đó ngay ở vòng loại châu Á cách đây ít tháng và suýt chút nữa trong trận bán kết ở SEA Games 29 nếu các vận động viên (VĐV) đội tuyển không quá chủ quan trước đối thủ khi chúng ta dẫn trước để rồi bị thua ngược đáng tiếc. Về thực lực, chúng ta có đầy đủ những gương mặt ưu tú đại diện cho các đội bóng ở cấp câu lạc bộ, trong đó có nhiều VĐV có kinh nghiệm thi đấu quốc tế, nhưng khi ráp vào thành một đội, điều mà các VĐV thiếu đó chính là sự kết nối của một tập thể. Theo ông Thiên, sự thay đổi này là thật sự cần thiết, nếu được thì phải làm ngay từ bây giờ và phải làm một cách triệt để, thậm chí mạnh dạn bỏ hẳn một kỳ SEA Games 30, năm 2019. Để trong thời gian 4 năm (từ đây cho đến năm 2021), đội tuyển bóng chuyền nam chỉ có nhiệm vụ duy nhất là tập trung cho việc xây dựng một lứa VĐV trẻ tiềm năng của các câu lạc bộ. Có như vậy, bóng chuyền nam Việt Nam mới có đủ thời gian tập luyện, nâng cao trình độ, tạo sự gắn kết và đủ tầm để thoát khỏi “ao làng” trước khi mơ đến chuyện vươn ra biển lớn.


A.N