10:08, 07/08/2017

Trở về thực tại!

Sự việc Câu lạc bộ (CLB) Arsenal chấm dứt hợp tác với CLB Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) và Học viện HAGL-Arsenal-JMG chỉ còn là lò đào tạo riêng của Câu lạc bộ HAGL có thể xem là một bước lùi của đội bóng phố núi. Nhưng xét một cách công bằng, những gì mà Học viện HAGL-Arsenal-JMG làm được vẫn rất đáng để trân trọng.

Sự việc Câu lạc bộ (CLB) Arsenal chấm dứt hợp tác với CLB Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) và Học viện HAGL-Arsenal-JMG chỉ còn là lò đào tạo riêng của Câu lạc bộ HAGL có thể xem là một bước lùi của đội bóng phố núi. Nhưng xét một cách công bằng, những gì mà Học viện HAGL-Arsenal-JMG làm được vẫn rất đáng để trân trọng.

 

Cứ nhìn vào đội hình đội tuyển bóng đá U22 Việt Nam hiện tại thì thấy. Có thể nói, Huấn luyện viên Nguyễn Hữu Thắng đã xây dựng khung sườn U22 Việt Nam trên những cầu thủ được đào tạo bởi Học viện HAGL-Arsenal-JMG. Đó là: Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Đông Triều, Văn Toàn, Hồng Duy, Văn Thanh, A Hoàng… Trong 28 cái tên được triệu tập, đã có 9 cái tên xuất thân từ Học viện HAGL-Arsenal-JMG và 2/3 trong đó thường xuyên xuất hiện trong đội hình chính ra sân.


Không phải tự nhiên mà các cầu thủ từ lò HAGL được Huấn luyện viên Hữu Thắng ưu ái. Được đào tạo bài bản, thi đấu chung với nhau trong thời gian dài, có nền tảng kỹ thuật cá nhân tốt, có tư duy chiến thuật tốt, so với mặt bằng chung đồng lứa có thể nói rất khó kiếm được một tập thể đồng đều như vậy. Tận dụng sự ăn ý, kỹ thuật cá nhân lại phù hợp với sơ đồ chiến thuật, việc sử dụng các cầu thủ từ lò HAGL làm bộ khung của đội tuyển U22 Việt Nam là hoàn toàn hợp lý. Một lò đào tạo có thể cung cấp nhiều cầu thủ như vậy cho đội tuyển quốc gia, đó chắc chắn là một sự thành công.

 

Tuấn Anh, Xuân Trường, Công Phượng - 3 trụ cột của U22 Việt Nam trưởng thành từ Học viện HAGL-Arsenal-JMG

Tuấn Anh, Xuân Trường, Công Phượng - 3 trụ cột của U22 Việt Nam trưởng thành từ Học viện HAGL-Arsenal-JMG

 

Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc Học viện HAGL-Arsenal-JMG đào tạo ra cầu thủ là hoàn hảo. Trên thực tế, vẫn có nhiều khiếm khuyết đã giới hạn mức độ thành công của lò đào tạo này. Có thể dễ dàng nhận ra, các cầu thủ xuất thân từ lò HAGL xuất hiện tại V-League hầu hết đều thi đấu cho chính CLB HAGL. Một số ít cầu thủ được đưa ra nước ngoài thi đấu như: Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường đều không thành công; trong đó Công Phượng và Tuấn Anh đã phải quay về CLB HAGL, còn Xuân Trường tuy vẫn trụ lại CLB Gangwon nhưng cơ hội ra sân rất ít. Nguyên nhân rất dễ nhận ra, đó chính là khiếm khuyết chung về mặt thể lực - thể hình, dẫn đến yếu trong tranh chấp bóng, dễ hụt hơi trong quá trình thi đấu.


Cầu thủ xuất thân từ lò HAGL chỉ đá cho CLB HAGL, không được các CLB tại V-League ưa chuộng, CLB HAGL lại thường xuyên ngụp lặn dưới đáy bảng xếp hạng; trong khi đó, những cầu thủ được “xuất khẩu” ra nước ngoài lại thi đấu không thành công, khiến cho thị trường nước ngoài không có được đường ra. Tất cả những điểm trên đã khiến cho mối lương duyên giữa CLB HAGL và Arsenal chấm dứt cũng chỉ là điều sớm muộn. Bởi một học viện quốc tế mà không thể sống được bằng nguồn bán cầu thủ, chỉ có thể tự đào tạo tự sử dụng thì coi như không thành công.


Nhưng xét cho cùng, việc cắt đứt với CLB Arsenal, quay trở lại thành lò đào tạo của CLB HAGL không phải là không có điểm tốt. Có được nền tảng đào tạo bài bản, trở thành nơi đào tạo cầu thủ trẻ, là nguồn cung cấp cho CLB như lâu nay lò đào tạo này vẫn làm là một bước đi phù hợp với thực trạng. Bước chậm nhưng chắc, không cần gồng mình cho những mục tiêu quá cao, lò đào tạo HAGL chắc chắn sẽ vẫn là lò đào tạo cầu thủ hàng đầu tại Việt Nam.


Trần Khánh