Đây là trận đấu nằm trong khuôn khổ vòng loại giành vé dự vòng chung kết U23 châu Á 2018, quyết định đội đầu bảng cũng là 1 suất vào thẳng.
Đây là trận đấu nằm trong khuôn khổ vòng loại giành vé dự vòng chung kết U23 châu Á 2018, quyết định đội đầu bảng cũng là 1 suất vào thẳng. Trước một đối thủ được đánh giá cao hơn hẳn, tỉ số 1-2 nghiêng về U22 Hàn Quốc, và 1 suất dự vòng chung kết U23 châu Á 2018 với tư cách là một trong 6 đội nhì bảng có thành tích xuất sắc nhất cho U22 Việt Nam là một kết quả hoàn toàn chấp nhận được. Và có khá nhiều điều rút ra sau trận đấu này.
1. Việc “tước” băng đội trưởng của Công Phượng thực chất đã giúp cho cầu thủ này rất nhiều. Không còn gánh nặng của chiếc băng đội trưởng, gánh vác trách nhiệm quá lớn trên đôi vai, đôi chân của Công Phượng đã tỏ ra thanh thoát hơn hẳn. Liên tục nổ súng trong 3 trận liên tiếp (U22 Timor Leste, Macau và Hàn Quốc) cho thấy một phong độ khác hẳn với những gì mà cầu thủ này thể hiện trước đó. Tuy vẫn còn chơi khá cá nhân, vẫn có nhiều pha bóng rườm rà, giữ bóng không hợp lý, nhưng những gì mà Công Phượng đang làm cho thấy cầu thủ này vẫn có thể tiến bộ, trở thành trụ cột cho đội tuyển bóng đá Việt Nam trong tương lai.
2. Việc để Xuân Trường và Tuấn Anh đá cặp với nhau ở hàng tiền vệ trước những đối thủ có thể hình vượt trội, mạnh trong tranh chấp bóng là một sai lầm. Xuân Trường vẫn cho thấy lý do tại sao cầu thủ này không thể có một suất đá chính tại câu lạc bộ Gangwon, đó chính là khả năng tranh chấp bóng, hỗ trợ phòng ngự của cầu thủ này rất hạn chế. Có thể khả năng chuyền bóng phát động tấn công của Xuân Trường rất tốt, nhưng bóng đá hiện đại không cho phép một tiền vệ chỉ biết tấn công mà không biết hỗ trợ phòng ngự. Trong khi đó, người đá cặp là Tuấn Anh lại hay gặp chấn thương, khả năng tranh chấp bóng cũng không tốt. Chính vì vậy, đội tuyển U22 Việt Nam thường xuyên bị mất bóng ở khu trung tuyến, để cho các cầu thủ U22 Hàn Quốc đi bóng khá tự do ở khu vực trước vòng cấm địa mà không có những sự đánh chặn cần thiết. Nên chăng, cần phải có một “máy quét” thực sự trước khung thành, vừa đảm bảo an toàn, vừa cung cấp không gian cho Xuân Trường hoặc Tuấn Anh phát động tấn công.
3. Một lần nữa huấn luyện viên Hữu Thắng cho thấy khả năng ứng biến trước những tình huống xảy ra trên sân cỏ là không cao. Tiêu biểu là tình huống trung vệ Tiến Dũng bị chấn thương phải rời sân để các bác sĩ chăm sóc, khiến cho hàng phòng ngự thiếu người, dẫn đến những sự lúng túng trong tình huống U22 Hàn Quốc có bàn thắng thứ 2. Việc cầu thủ gặp chấn thương phải rời sân nhận chăm sóc y tế là điều thường thấy trong bóng đá, và huấn luyện viên phải có những chỉ đạo kịp thời, điều phối cầu thủ lấp vào chỗ trống trong khoảng thời gian thiếu người này, đặc biệt là thiếu người nơi hàng phòng thủ. Không nói huấn luyện viên Hữu Thắng không có khả năng về chuyên môn, nhưng ứng biến nhanh đối với những tình huống trên sân vẫn là điều mà vị huấn luyện viên này cần khắc phục.
4. Việc sử dụng Văn Toàn như một cầu thủ chạy cánh không phải là một lựa chọn hợp lý, bởi Văn Toàn có thiên hướng tấn công bó vào trong, vừa dễ giẫm chân với Đức Chinh đang chơi tiền đạo cắm, vừa khiến cho đội tuyển U22 Việt Nam thường xuyên lâm vào tình trạng “dư” người trong vòng cấm, lại thiếu những cú tạt bóng cần thiết từ vị trí của Văn Toàn. Nếu đã chơi với sơ đồ 2 tiền đạo với Đức Chính đá cắm, Công Phượng đá hộ công thì nên để vị trí của Văn Toàn cho một cầu thủ đá cánh tốt, chuyền bóng tốt tương tự như Quang Hải, như vậy U22 Việt Nam sẽ tấn công biến hóa hơn, các tiền đạo sẽ được cấp bóng tốt hơn, đa dạng hơn.
Duy Duy