10:04, 12/04/2017

Cùng giải bài toán cơ chế

Mới dừng ở mức dự thảo, tuy nhiên việc Tổng cục Thể dục thể thao tham vấn cho Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch để nâng chế độ tập luyện và dinh dưỡng cho huấn luyện viên và vận động viên trong thời gian tới là điều đáng chờ đợi.

Mới dừng ở mức dự thảo, tuy nhiên việc Tổng cục Thể dục thể thao tham vấn cho Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) để nâng chế độ tập luyện và dinh dưỡng cho huấn luyện viên (HLV) và vận động viên (VĐV) trong thời gian tới là điều đáng chờ đợi. Theo đó, HLV trưởng các đội tuyển quốc gia cũng như tuyển thủ quốc gia nhiều khả năng được nhận mức thù lao hàng tháng cao gấp 8 lần mức lương cơ bản hiện nay.


Lâu nay, giới làm nghề vẫn thường than thở rằng vì vướng cơ chế nên kinh phí cho tập huấn cũng như thi đấu của các đội tuyển từ cấp tỉnh tới cấp quốc gia trong nước và quốc tế không thể vượt khung, phải tuân thủ quy định nhà nước. Song, nếu Tổng cục Thể dục thể thao và Bộ VH-TT-DL giải được bài toán cơ chế, cải thiện toàn diện chế độ cho các HLV và VĐV khoác áo đội tuyển quốc gia, thể thao Việt Nam sẽ phát triển theo hướng khác, có cơ sở để tự tin vào chiến lược đầu tư cho các đấu trường cao cấp như Asiad hay Olympic.

 

Chế độ tập luyện và dinh dưỡng được cải thiện sẽ giúp vận động viên phấn đấu nhiều hơn nữa trên đấu trường quốc tế
Chế độ tập luyện và dinh dưỡng được cải thiện sẽ giúp vận động viên phấn đấu nhiều hơn nữa trên đấu trường quốc tế


Trong quá trình chuẩn bị lực lượng tham dự SEA Games 29 ở Malaysia vào tháng 8, hiện tại VĐV thuộc các đội tuyển quốc gia vẫn đang hưởng chế độ 800.000 đồng/ngày, nhưng chỉ khu biệt ở danh sách được chọn đầu tư trọng điểm mà Tổng cục Thể dục thể thao công bố hồi đầu năm. Cũng khoác áo đội tuyển quốc gia, nhưng không phải VĐV nào cũng nhận được khoản thù lao đó (đối với những người chỉ có triển vọng thành tích huy chương bạc hoặc huy chương đồng), nên cũng gây nên một sự so sánh nhất định.


6 năm qua, thể thao Việt Nam vẫn dựa vào Quyết định số 32 của Thủ tướng Chính phủ “Về một số chế độ đối với HLV, VĐV thể thao được tập trung tập huấn và thi đấu” thực hiện từ ngày 22-7-2011. Đây là văn bản duy nhất quy định về chế độ mà HLV và VĐV được hưởng khi tập luyện, thi đấu. Rõ ràng, theo xu thế phát triển hiện nay, chế độ dành cho các đối tượng chịu trách nhiệm thành tích thể thao lớn nhất phải được cải thiện.


Tất nhiên, không thể một sớm một chiều bài toán cơ chế này sẽ được giải trọn vẹn. Chính phủ cần phải cân nhắc và đánh giá triển vọng của ngành Thể dục thể thao trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Còn với riêng ngành Thể dục thể thao, đây là thời điểm cần chứng minh rằng họ xứng đáng được hưởng chế độ đầu tư mới, căn cứ trên biểu đồ thành tích ở các đấu trường Asiad, Olympic hay những giải vô địch thế giới phải tăng theo từng năm. Nếu có sự đột biến giống như trường hợp của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh tại Olympic 2016 thì càng tốt.


Ngay sau SEA Games 29, thể thao Việt Nam sẽ tiếp tục chuẩn bị cho đấu trường Asiad 2018, xem như các sự kiện quốc tế quan trọng này chính là bước đệm để giúp dự thảo kể trên sớm thành hiện thực. Nhưng trước mắt, như Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao Vương Bích Thắng cho biết, ngành sẽ cố gắng trình Bộ VH-TT-DL cũng như Chính phủ điều chỉnh mức thưởng cho VĐV giành thành tích cao tại SEA Games theo hướng tăng nhẹ. Hiện mức thưởng mà Chính phủ quy định là 45 triệu đồng cho huy chương vàng, 25 triệu đồng cho huy chương bạc, 20 triệu đồng cho huy chương đồng. Chưa kể, VĐV phá kỷ lục SEA Games sẽ nhận thêm 15 triệu đồng/kỷ lục.


LÊ QUANG (SGGP)