05:02, 10/02/2017

Đầu tư trọng điểm

Tổng cục Thể dục thể thao vừa chính thức duyệt danh sách các huấn luyện viên, vận động viên (VĐV) xuất sắc hưởng chế độ đặc thù trong năm 2017. Tổng cộng có 55 VĐV của 19 môn thể thao được đưa vào danh sách này.

Tổng cục Thể dục thể thao vừa chính thức duyệt danh sách các huấn luyện viên, vận động viên (VĐV) xuất sắc hưởng chế độ đặc thù trong năm 2017. Tổng cộng có 55 VĐV của 19 môn thể thao được đưa vào danh sách này.


Môn Olympic chiếm ưu thế


Trong 19 môn trên, 2 môn wushu và pencak silat không thuộc nhóm cơ bản của  Olympic. 17 môn còn lại có thành viên được hưởng chế độ đặc thù (người trong nghề vẫn quen gọi với nhau là trọng điểm) gồm: bắn súng, cử tạ, điền kinh, bơi lội, thể dục dụng cụ, đấu kiếm, cầu lông, rowing, canoeing, xe đạp, bắn cung, quần vợt, judo, boxing, taekwondo, karatedo... Bơi lội và điền kinh thuộc nhóm môn được quan tâm số 1 của thể thao Việt Nam. Do vậy, trong danh sách trọng điểm của năm 2017, 2 môn này có số VĐV được đưa vào khá đông đảo (bơi 6 người, điền kinh 7 người).

 

Bơi lội thuộc nhóm môn được quan tâm số 1 của thể thao Việt Nam
Bơi lội thuộc nhóm môn được quan tâm số 1 của thể thao Việt Nam


Bắn súng sau năm 2016 thành công với 1 huy chương vàng, 1 huy chương bạc tại Olympic 2016 vẫn có đầy đủ những xạ thủ từng dự Olympic tại Brazil vào danh sách trọng điểm năm nay. Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh và Trần Quốc Cường tiếp tục được hưởng chế độ VĐV xuất sắc. Đồng đội của họ gồm: Hà Minh Thành, Lê Thị Hoàng Ngọc, Nguyễn Duy Hoàng có ở danh sách năm nay. Trước đó, bà Nguyễn Thị Nhung - Huấn luyện viên trưởng đội bắn súng Việt Nam từng xác nhận, từng tuyển thủ phải nỗ lực để làm tốt nhất năng lực của mình thì mới xứng đáng với vị trí mũi nhọn mà mọi người kỳ vọng.


Dễ thấy, với các xạ thủ trọng điểm này, chúng ta tiếp tục đặt niềm tin vào tổ súng ngắn. Xạ thủ duy nhất thi đấu súng trường là Nguyễn Duy Hoàng được đánh giá tốt về chuyên môn nên nằm trong nhóm VĐV trọng điểm không phải không có lý.


Không thể coi là bài toán chế độ?


Ra đời danh sách trọng điểm, hưởng chế độ cao hơn so với mặt bằng chung là nỗ lực của các bên liên quan (trong đó có Tổng cục Thể dục thể thao tham mưu). Đây là điều rất mừng. Phải thấy rõ, huấn luyện viên, VĐV trọng điểm được hưởng mức cao nên bỏ qua tư tưởng giải bài toán chế độ cho bản thân họ. Đây chính là những cá nhân được Nhà nước đầu tư cho các mục tiêu quan trọng của thể thao quốc gia. Thực tế, thể thao chúng ta bị vướng vào câu chuyện áp lực thành tích trong các đại hội theo tính thời điểm.


Chương trình thi đấu SEA Games - Asian Games - Olympic luôn quay vòng nối tiếp theo một chu kỳ năm này tới năm khác (ví dụ, sau Olympic 2016, tất cả đã phải vào guồng cho SEA Games 2017, sau đó lại tới Asian Games 2018, tiếp nữa là tới SEA Games 2019 rồi Olympic 2020). Do đó, VĐV và huấn luyện viên ở danh sách “trọng điểm” đều hiểu trước mắt nỗ lực cho đại hội thể thao quan trọng ở năm đó.


Chương trình trọng điểm ít nhiều đồng nghĩa nuôi gà nòi trong giai đoạn dài hơi. Tuy nhiên, số VĐV nổi bật chỉ giới hạn trong một vài cá nhân nên tất cả nhà quản lý không thể ém quân lâu dài được. Nâng tiền dinh dưỡng cho huấn luyện viên, VĐV phải có chuyên gia dinh dưỡng thẩm định bằng chuyên môn. Để từ đó, VĐV của môn nào cần bổ sung thực phẩm gì và số lượng tiếp nhận ra sao. Nếu chỉ tăng lượng thực phẩm lên gấp đôi nhờ tiền dinh dưỡng nhiều hơn thì chưa hẳn đã hiệu quả.


Năm 2016, thể thao Việt Nam trong chiến lược chuẩn bị cho Olympic đã có nhiều gương mặt nổi bật được vào danh sách “trọng điểm”. Sau 1 năm, nhiều gương mặt đó đã không còn “trọng điểm” như: Tiến Minh (cầu lông), Nguyễn Thị Huyền (điền kinh), Nguyễn Thành Ngưng (điền kinh), Văn Ngọc Tú (judo), Phan Thị Hà Thanh (thể dục dụng cụ), Nguyễn Thị Lệ Dung (đấu kiếm)... Điều này không bất ngờ. VĐV có tuổi đã dừng bước thi đấu cần tuyến trẻ thay thế. VĐV trẻ có chuyên môn và khả năng phát triển lâu dài cần ưu tiên vào danh sách trọng điểm thì mới thực chất hơn. Dĩ nhiên họ phải được sự sàng lọc chuyên môn.


NGUYỄN ĐÌNH (SGGP)