Nếu Huấn luyện viên Nguyễn Hữu Thắng trở thành tân Huấn luyện viên của đội tuyển bóng đá Việt Nam thì đấy là chuyện quá đỗi bình thường. Ông Thắng hội đủ mọi yếu tố để có thể ngồi vào chiếc ghế của ông Miura để lại. Nhưng câu chuyện chọn Huấn luyện viên cho đội tuyển không chỉ có vậy.
1. Nếu Huấn luyện viên (HLV) Nguyễn Hữu Thắng trở thành tân HLV của đội tuyển bóng đá Việt Nam thì đấy là chuyện quá đỗi bình thường. Ông Thắng hội đủ mọi yếu tố để có thể ngồi vào chiếc ghế của ông Miura để lại. Nhưng câu chuyện chọn HLV cho đội tuyển không chỉ có vậy.
Huấn luyện viên Nguyễn Hữu Thắng hội đủ các yếu tố để dẫn dắt đội tuyển bóng đá quốc gia |
Đầu tiên, phải nói về vấn đề lối chơi của đội tuyển. Cần lưu ý rằng, nguyên nhân khiến HLV Miura bị cho nghỉ trước thời hạn không phải là thành tích mà ở phong cách thi đấu của đội tuyển dưới quyền của ông không đáp ứng được yêu cầu của số đông. Chưa biết ông Hữu Thắng có sự thay đổi lớn lao nào không, chứ trên thực tế, từ khi còn là cầu thủ cho đến lúc làm HLV thì cựu hậu vệ lừng danh này vẫn có tiếng là người chú trọng khâu phòng thủ. Năm ông đưa Sông Lam Nghệ An vô địch V-League 2011, thì chính việc để thủng lưới ít nhất giải là yếu tố quan trọng nhất trong khi số lượng bàn thắng của đội bóng kém hơn 2 đội bóng xếp sau. Thủ lĩnh của Sông Lam Nghệ An vô địch lần đó chính là “đàn em” ở hàng phòng thủ, trung vệ Huy Hoàng. Cũng năm đó, cầu thủ Sông Lam Nghệ An duy nhất lọt vào tốp 10 Vua phá lưới là tiền đạo Fagan cũng chỉ có 10 bàn thắng.
VFF và HLV Hữu Thắng về cơ bản đã có sự thống nhất cao về các điều khoản quan trọng trong hợp đồng. Trong đó, có chỉ tiêu quan trọng mà VFF giao cho HLV Hữu Thắng, đó là ngay tại AFF Cup cuối năm nay, đội tuyển bóng đá phải vào chung kết. Đây là một nhiệm vụ rất nặng nề với tân HLV trưởng đội tuyển bóng đá Việt Nam bởi trước đó VFF cũng chỉ đưa ra chỉ tiêu vào bán kết với HLV Miura.
|
Ở đây, chúng ta không bàn đến tài năng của ông Thắng mà muốn nói đến các tiêu chí chọn lựa HLV của VFF. Không thể sa thải một HLV vì lối đá nặng về phòng ngự để chọn một người gần như luôn ưu tiên cho lối chơi phòng ngự.
2. Kế đến, chúng ta ưu tiên cho HLV nội bởi hy vọng là người trong nhà hiểu rõ và đủ cơ sở để xây dựng một đội tuyển “thuần Việt”. Tuy nhiên, vì lẽ đó cần có nhiều thời gian cho “người nhà”, không thể gây áp lực thành tích như việc thuê chuyên gia ngoại.
Nhưng thông tin lại cho biết, hợp đồng với ông Nguyễn Hữu Thắng cũng chỉ 2 năm, chẳng khác so với ông Miura. Người ta đang quan tâm nhiều đến mức lương “khủng” của ông Thắng chứ ít ai quan tâm đến việc vì sao HLV nội lại được nhận nhiều như vậy. Lương càng cao, mục tiêu thành tích càng lớn? Nếu đã như vậy, tại sao không chọn chuyên gia ngoại cho xong?
Trong dàn HLV trẻ hiện nay, ông Thắng chẳng kém ai nếu không nói là cùng với Lê Huỳnh Đức, đây là những nhà cầm quân hiếm hoi của bóng đá Việt Nam có được cái uy với cầu thủ. Nói cách khác, ông Thắng hoàn toàn là một “hạt giống đỏ” của chiến lược phát triển HLV nội. Tuy nhiên, câu hỏi cũ nhưng vẫn còn nguyên giá trị: Liệu sau thất bại với HLV Miura thì quay về HLV nội lúc này đã là đúng lúc hay chưa, nhất là khi chọn ông Nguyễn Hữu Thắng với thời hạn hợp đồng ngắn ngủi mang nhiều tính thử nghiệm nói trên.
HỒ VIỆT