Thế là U23 Việt Nam đã phải về nước sau khi bị loại khỏi giải vô địch U23 châu Á với 3 trận toàn thua. Người hâm mộ không trách các cầu thủ U23 Việt Nam, bởi trên thực tế đối thủ của họ đều là những đội bóng được đánh giá cao hơn hẳn, thất bại không phải là điều gì quá bất giờ...
Thế là U23 Việt Nam đã phải về nước sau khi bị loại khỏi giải vô địch U23 châu Á với 3 trận toàn thua. Người hâm mộ không trách các cầu thủ U23 Việt Nam, bởi trên thực tế đối thủ của họ đều là những đội bóng được đánh giá cao hơn hẳn, thất bại không phải là điều gì quá bất giờ. Nhưng vẫn còn đâu đó những điều làm cho người hâm mộ tiếc nuối, như vẫn còn những sự dang dở khiến cho người ta chặc lưỡi… nếu như.
|
Chúng ta cần trận trọng những gì huấn luyện viên Miura đã làm cho bóng đá Việt. |
Có lẽ, trận cuối cùng với U23 UAE với tư thái không còn gì để mất đã trút bỏ đi được gánh nặng tâm lí của những cầu thủ trẻ U23 Việt Nam. Để làm cho những bước chân của họ thanh thoát hơn, để làm cho thân thể họ không còn sự co cứng dưới sức ép tâm lí. Và để rồi sự nhẹ nhàng thanh thoát ấy đã mang lại cho họ lối chơi mà người hâm mộ vẫn mong chờ được trông thấy, một lối chơi đồng đội kết dính dựa trên tố chất kĩ thuật của các cầu thủ U23 Việt Nam. Những Xuân Trường, Tuấn Anh, Đức Huy, Công Phượng… giúp cho U23 Việt Nam cầm được bóng, chiếm được khu vực giữa sân để rồi lấy đó làm nền tảng cho những pha bóng xâm nhập vào vòng cấm địa của U23 UAE. Và những bàn thắng lần lượt đến với U23 Việt Nam như là những hệ quả tất nhiên.
Vứt bỏ đi sức ép về mặt tâm lí, U23 Việt Nam đã thể hiện được lối chơi tích cực, “sáng nước” hơn rất nhiều 2 trận trước đó. Nhưng chính vì vậy, người hâm mộ Việt Nam mới tiếc nuối. Tiếc nuối bởi lối chơi ấy không được các cầu thủ thể hiện ở trong trận đấu với U23 Jordan và U23 Australia. Tiếc nuối bởi tuy chơi lấn áp U23 UAE, nhưng U23 Việt Nam vẫn không thể có được chiến thắng khi thua ngược 2-3 trong một trận đấu rượt đuổi tỉ số.
Huấn luyện viên Toshiya Miura đã nói không quá, khi cho rằng các cầu thủ U23 Việt Nam thua bởi thiếu kinh nghiệm, và thậm chí là thể lực. Một Hoàng Lâm lần đầu tiên đá ở tại vòng chung kết U23 châu Á đã lóng ngóng đánh đầu phản lưới nhà; thủ môn Văn Tiến thể hiện sự thiếu kinh nghiệm trong pha dâng cao để đối thủ lốp bóng qua đầu ghi bàn; hậu vệ Nam Anh nhận thẻ vàng thứ 2 rời sân sau 1 pha đua tốc độ hụt hơi thua đối phương, buộc phải phạm lỗi; Công Phượng chấn thương nặng sau một pha tranh chấp chỉ bởi vì không đủ thể lực lấn lại đối phương… Tất cả đều đọng lại một từ… nếu. Nếu như các cầu thủ U23 Việt Nam đủ độ quái, nếu các cầu thủ của chúng ta đủ thể lực… Nhưng đáng tiếc, trong bóng đá không có chữ nếu, thế cho nên tất cả đọng lại sẽ là một sự dang dở, sự đáng tiếc.
Liệu sự dang dở ấy có thể hoàn toàn quy trách nhiệm cho huấn luyện viên Miura hay không? Có thể có mà cũng có thể không. Có là bởi có thể huấn luyện viên Miura đã có một số sai lầm trong việc bố trí sơ đồ và vị trí cầu thủ. Nhưng không là bởi những gì mà huấn luyện viên Miura chuẩn bị cho các cầu thủ Việt Nam, từ lâu là để cho họ đối phó với những đối thủ như thế này. Đó là những điều gì? Đó là việc rèn luyện thể lực để không bị hụt hơi trong những pha đua tốc độ vào cuối trận; đó là việc làm quen với những pha bóng dài trong trường hợp bị phong tỏa lối chơi dựa trên bóng nhỏ và kĩ thuật; đó là việc trọng dụng những cầu thủ trẻ, cho họ cơ hội để xây dựng một đội hình cho tương lai… Nhưng cái mà huấn luyện viên Miura thiếu đó là thời gian, thời gian để cho các cầu thủ trưởng thành, thời gian để cho họ tiếp thu kinh nghiệm, nhưng thời gian lại là cái mà người hâm mộ bóng đá Việt Nam “keo kiệt” nhất.
Có một câu mà rất nhiều chuyên gia bóng đá hay nói, đó là với trình độ bóng đá Việt Nam hiện tại, đưa huấn luyện viên trình độ cao cỡ nào về thì cũng thế thôi, cơ bản là những người quy hoạch cho bóng đá Việt Nam – VFF phải có những kế hoạch cho tầm nhìn dài hạn hơn, cần có những lộ trình thống nhất cho bóng đá Việt Nam, chứ không phải là cái kiểu khoán hết cho huấn luyện viên như hiện tại. Thành công, VFF được tiếng; thất bại, thay huấn luyện viên, thế là xong.
Có câu, tình chỉ đẹp khi tình dang dở. U23 Việt Nam đã có rất nhiều dang dở, đã có rất nhiều tiếc nuối, nhưng có lẽ bởi vậy mà người hâm mộ bóng đá Việt Nam vẫn dành rất nhiều tình cảm, sự yêu mến cho họ. Huấn luyện viên Miura đã thành công trong việc tạo nên một nền tảng cho tương lai của bóng đá Việt, đã thành công trong việc thổi lửa vào lối chơi của các cầu thủ trẻ, để cho họ chiến đấu tới giờ phút cuối cùng không buông bỏ. Có thể, đó vẫn là chưa đủ, và cũng rất có thể tất cả sẽ cũng là một sự dang dở nếu như VFF không gia hạn hợp đồng với huấn luyện viên Miura. Nhưng cho dù dang dở, những gì huấn luyện viên Miura đã làm cho bóng đá Việt vẫn đáng được trận trọng, vẫn đáng được xem là một cuộc tình đẹp… dù cho nó có rất nhiều dang dở.
Duy Duy