Thể thao Việt Nam đang sở hữu một thế hệ vận động viên trẻ, tài năng. Không chỉ có những thành tích đặc biệt, tiếp cận với đỉnh cao thế giới mà điều đáng ghi nhận đó là sự tiến bộ về mặt bản lĩnh trong thi đấu và tập luyện, một yếu tố luôn khiến cho nhiều thế hệ vận động viên trước thất bại trong nỗ lực thay đổi đẳng cấp của mình.
1. Thể thao Việt Nam đang sở hữu một thế hệ vận động viên (VĐV) trẻ, tài năng. Không chỉ có những thành tích đặc biệt, tiếp cận với đỉnh cao thế giới mà điều đáng ghi nhận đó là sự tiến bộ về mặt bản lĩnh trong thi đấu và tập luyện, một yếu tố luôn khiến cho nhiều thế hệ VĐV trước thất bại trong nỗ lực thay đổi đẳng cấp của mình.
Không ai khác, chính ngôi sao số 1 của làng thể thao, kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên là “người tiên phong”. Sang Mỹ tập huấn suốt 4 năm qua, liên tục gặt hái những thành công trên đường bơi, nhưng khi trả lời phỏng vấn báo chí, trước sau Ánh Viên vẫn luôn khiêm tốn khi nói đến thành tích của mình. Không Facebook, không truyền hình, việc duy nhất mà Ánh Viên tập trung đó là tập luyện và... học ngoại ngữ. “Bây giờ tôi có vẻ bị thiệt thòi, không giống như những bạn cùng lứa tuổi khác, nhưng tôi nghĩ khi mình có thành công, có lẽ sẽ bù đắp được phần nào những gì đã bỏ ra hiện nay”, đó là cách Ánh Viên nhìn nhận về những gì cô đang trải qua trong cuộc đời một VĐV đỉnh cao.
Trong khi đó, trước khi sang Hàn Quốc thi đấu cho Câu lạc bộ Incheon ở giải nhà nghề K-League, tiền vệ Lương Xuân Trường thừa nhận: “Đây là một chuyến đi trong mơ và tôi cũng cảm nhận áp lực không nhỏ. Điều đáng lo nhất chính là khả năng hội nhập với đời sống ở Hàn Quốc và tiếp cận trình độ thi đấu tại một nền bóng đá lớn như thế này. Tuy nhiên, tôi vẫn tin mình sẽ thành công”. Là cầu thủ Đông Nam Á duy nhất được thi đấu tại K-League trong 30 vòng năm qua, Xuân Trường cũng là cầu thủ Việt Nam đầu tiên được một câu lạc bộ nhà nghề hàng đầu châu Á xúc tiến ký hợp đồng theo tiêu chuẩn của bóng đá chuyên nghiệp thế giới nên chắc chắn áp lực dành cho Xuân Trường là không nhỏ. Tuy nhiên, cầu thủ quê ở Tuyên Quang đã có 10 năm sống xa nhà từ thuở bé, nói tiếng Anh chuẩn, phát biểu không cần phải chuẩn bị sẵn là một trong những “sản phẩm” tiêu biểu của Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal được kỳ vọng nhất.
2. Sau 2 lần ra nước ngoài thi đấu tại Bồ Đào Nha và Nhật Bản, tiền đạo Lê Công Vinh thừa nhận các VĐV Việt Nam không thiếu cơ hội để chứng tỏ bản thân trên đấu trường quốc tế, nhưng điểm yếu lớn nhất vẫn là bản lĩnh đối đầu với những khó khăn khi phải đơn thân ở xứ người. Thật ra, đây là điểm yếu lớn nhất của thể thao Việt Nam khi quá trình chuẩn bị tâm lý cho VĐV không thường đi kèm với việc đào tạo chuyên môn. Việc học văn hóa thường qua loa, các kỹ năng sống lại càng không có trong chương trình đào tạo, VĐV dễ bị tác động bởi ngoại cảnh trong quá trình thi đấu nên khả năng chịu áp lực không tốt. Đây là lý do dẫn đến tình trạng mỗi khi thi đấu quốc tế, các VĐV không vượt qua được chính mình ở những thời điểm quan trọng. Số VĐV có bản lĩnh như Lê Quang Liêm, Lý Hoàng Nam hay Ánh Viên chỉ đếm trên đầu ngón tay nhờ được đầu tư bài bản từ lúc 14 - 15 tuổi nên đủ sức vượt qua các trở ngại nơi đất khách quê người.
Nói cách khác, muốn trở thành VĐV đỉnh cao, ngoài chuyện tài năng, cần có chiến lược đào tạo toàn diện cho VĐV, tức là phải dần dẹp bỏ mô hình “luyện gà chọi” để lấy thành tích trước mắt như thói quen từ trước đến nay mới có hy vọng thêm nhiều Ánh Viên, Xuân Trường, Hoàng Nam cho thể thao nước nhà.
ĐĂNG LINH (SGGP)