09:12, 17/12/2015

Phận "làm dâu trăm họ"

Nói huấn luyện viên Toshiya Miura là phận "làm dâu trăm họ" cũng là không quá, bởi khi ông nắm đội tuyển bóng đá Việt Nam, hình như bất cứ chuyện gì xảy ra với đội tuyển là người ta lập tức đổ tội cho ông...

Nói huấn luyện viên Toshiya Miura là phận “làm dâu trăm họ” cũng là không quá, bởi khi ông nắm đội tuyển bóng đá Việt Nam, hình như bất cứ chuyện gì xảy ra với đội tuyển là người ta lập tức đổ tội cho ông, chẳng hạn như việc các cầu thủ của tuyển U23 vừa mới tập trung luyện tập bị chấn thương. Trong thể thao nói chung, chấn thương trong luyện tập là chuyện như… cơm bữa, nó đến từ rất nhiều nguyên nhân chủ quan và khác quan, nhưng ở Việt Nam, cầu thủ lên tuyển chấn thương, nguyên nhân mặc định cứ là tại Miura cái đã.

 

Công tác rèn luyện thể lực và chăm sóc y tế cần được chú trọng hơn ở tại V-League.
Công tác rèn luyện thể lực và chăm sóc y tế cần được chú trọng hơn ở tại V-League.


Vấn đề rèn luyện thể lực rất quan trọng đối với một cầu thủ, nó chính là nền tảng của tất cả mọi kỹ thuật. Nhưng có vẻ đối với bóng đá Việt Nam, việc rèn luyện thể lực lại được đưa xuống hàng thứ yếu. Những cái nhìn thiện cảm đều hướng tới những cầu thủ có kỹ thuật cá nhân tốt, có những đường đi bóng lắt léo, còn những cầu thủ có thể hình thể lực tốt thì thường lại được gọi bằng những cách gọi không mấy thiện cảm. Bởi vậy, việc tích cực rèn luyện thể lực và những vấn đề liên quan tới nó luôn không được xem xét đúng mức quan trọng, và hậu quả là cầu thủ Việt Nam khi ra đấu trường quốc tế thi đấu thường… đi bộ vào nửa cuối trận đấu.


Tới thời của huấn luyện viên Miura, thấy được nhược điểm này của cầu thủ Việt Nam, việc rèn luyện thể lực được tập trung chú trọng hơn. Thậm chí ông còn đưa cả chuyên gia về thể lực và chấn thương từ Nhật Bản qua để hỗ trợ một cách chuyên nghiệp hơn. Chính bởi vì kĩ như vậy, rất nhiều chấn thương đã được phát hiện, và rất nhiều khiếm khuyết cho việc rèn luyện thể lực không đúng và đủ đã bộc lộ tạo nên chấn thương. Ấy vậy mà, việc cầu thủ chấn thương vẫn là tại Miura, bởi vì ai bảo ông kĩ như vậy.


Xét về nguyên nhân cầu thủ lên tuyển chấn thương, trước khi đổ cho giáo án quá nặng gây nên chấn thương, mà người ta hay gọi là “chỉ phù hợp với cầu thủ Nhật Bản, không phù hợp với cầu thủ Việt Nam”, thì có 2 nguyên nhân lớn gây nên tình trạng chấn thương hàng loạt này, đó là công tác chăm sóc y tế ở các câu lạc bộ bóng đá Việt Nam kém, và chất lượng mặt sân nơi đội tuyển U23 luyện tập đang xuống cấp.


Như đã nói ở trên, do công tác rèn luyện thể lực không được chú trọng, nên kèm theo đó là công tác chăm sóc, chữa trị y tế cho cầu thủ ở các câu lạc bộ cũng không được quan tâm đúng mức. Thường thì các nhân viên y tế ở các câu lạc bộ chỉ dừng lại ở mức xịt thuốc giảm đau cho các cầu thủ khi gặp chấn thương, còn công tác chuẩn đoán và chữa bị dứt điểm vết thương là chưa tốt, thậm chí là ở các câu lạc bộ lớn, trang thiết bị hiện đại như Hoàng Anh Gia Lai, Bình Dương, Đà Nẵng… Thử xem trong các ca chấn thương ở tại U23 Việt Nam hiện tại gồm các cầu thủ như Hồ Tuấn Tài, Thanh Hiền, Trần Duy Khánh, Nguyễn Công Phượng, Hữu Dũng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Duy Mạnh, Hồng Duy, Lâm Ti Phông, Nguyễn Văn Dũng và xa hơn là Võ Huy Toàn. Trong đó chấn thương của Võ Huy Toàn là từ tháng 10 năm trước nhưng vẫn không được trị dứt điểm, nay lại tái phát chấn thương. Còn Duy Mạnh, Văn Dũng, Hữu Dũng, Lâm Ti Phông vừa mới thi đấu ở giải U21 Quốc tế Báo Thanh Niên 2015, sau khi tập trung chưa tập buổi nào sau khi chuẩn đoán đã được đưa thẳng tới gặp bác sĩ. Một câu hỏi được đặt ra, vậy câu lạc bộ của các cầu thủ này không biết những cầu thủ này đã bị chấn thương hay sao?


Thậm chí tới một câu lạc bộ nổi tiếng là có trang thiết bị hiện đại và đội ngũ chăm sóc y tế tốt hàng đầu ở tại V-League là Hoàng Anh Gia Lai, công tác y tế cũng không tốt hơn là bao. Ngoại trừ trường hợp Công Phượng bị chấn thương là do bất cẩn gây nên, thì Hồng Duy, Xuân Trường, Tuấn Anh là tái phát chấn thương cũ, mà việc tái phát này vẫn liên tục xảy ra nhưng lại không được điều trị một cách dứt điểm. Vậy việc tái phát chấn thương có thể nào lại “đổ” cho huấn luyện viên Miura? Trong 12 ca chấn thương thì đã hết 9 ca được phát hiện do không được điều trị thích đáng ở tại câu lạc bộ, 3 ca chấn thương còn lại cho dù là chấn thương do rèn luyện thể lực thì có gì đáng để nói?


Một nguyên nhân nữa có khả năng gây ra chấn thương cần được xét tới đó là chất lượng mặt sân tập. Hệ thống sân tập của VFF, nơi mà tuyển U23 Việt Nam hội quân thường xuyên bị kêu ca bởi chất lượng mặt sân xấu, lồi lõm rất nhiều, rất dễ gây nên chấn thương cho cầu thủ khi tập luyện ở trên đó. Chất lượng mặt sân là một trong những chỉ tiêu cơ bản nhất trong việc đào tạo huấn luyện cầu thủ, đến cái cơ bản nhất mà VFF cũng làm không ổn, thì làm sao có thể đòi hỏi những điều gì cao xa hơn?


Có thể nói, trước khi kêu ca về việc chấn thương của U23 Việt Nam là “tội” của huấn luyện viên Miura, thì chúng ta phải có cái nhìn đúng đắn hơn về những vấn đề vẫn tồn tại lâu nay của bóng đá Việt Nam. Những điều cơ bản nhất chúng ta vẫn chưa thể làm được, thì không thể đem lỗi đổ cho người khác rồi nhắm mắt làm ngơ. Có câu “thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”, chỉ có luyện tập không ngừng nghỉ thì mới có được sự tiến bộ, chứ không phải những lời kêu ca mang lại sự tiến bộ. Thể lực của đội tuyển Việt Nam tiến bộ thấy rõ dưới thời huấn luyện viên Miura, và đó là điều không thể chối cãi. Thế cho nên, ngừng kêu ca, để yên cho huấn luyện viên Miura làm việc, đó mới là điều nên làm vào lúc này.


Duy Duy