12:11, 30/11/2015

Ông Miura... tài quá!

Trong bảng danh sách tập trung cho đội tuyển bóng đá U.23 mới nhất vừa xuất hiện thêm một số cái tên mới đến từ đội U.19 quốc gia. Nếu không lầm, các cầu thủ này chủ yếu do VFF đề cử và Huấn luyện viên Miura tạo cơ hội để thử nghiệm.

1. Trong bảng danh sách tập trung cho đội tuyển bóng đá U.23 mới nhất vừa xuất hiện thêm một số cái tên mới đến từ đội U.19 quốc gia. Nếu không lầm, các cầu thủ này chủ yếu do VFF đề cử và Huấn luyện viên (HLV) Miura tạo cơ hội để thử nghiệm.

 

Huấn luyện viên Miura trong một buổi tập với các cầu thủ
Huấn luyện viên Miura trong một buổi tập với các cầu thủ


Có lẽ, kể từ khi đến với bóng đá Việt Nam giữa năm 2014 đến nay, HLV Miura đã gọi gần 100 cầu thủ từ tuổi 18 đến 33 vào các đội tuyển. Để nhớ chừng đó gương mặt cầu thủ thôi cũng đã đau đầu, đừng nói gì đến việc chứng kiến và thẩm định khả năng thi đấu thực tế của họ. Tất nhiên, chúng ta đều biết tình trạng này xảy ra khi HLV Miura phải cùng lúc làm nhiệm vụ ở 2 đội tuyển. Đây cũng là điều vẫn xảy ra đối với nhiều HLV ngoại trước đây, tuy nhiên số lượng cầu thủ được dùng không nhiều bằng ông Miura. Thời của HLV Riedl, chủ yếu là bê nguyên đội hình U.23 lên tuyển quốc gia. Thời HLV Calisto, đội nào ra đội đó khi chuyên gia người Bồ Đào Nha đề cao kinh nghiệm thi đấu chứ không thuận theo những lời kêu gọi “trẻ hóa” của VFF.


Riêng với HLV Miura thì gần như cộng cả Riedl và Calisto. Ông vẫn trọng dụng các cựu binh, thậm chí gọi nhiều cầu thủ lớn tuổi chưa từng lên tuyển, cùng lúc đưa các cầu thủ mới U.21 vào tuyển quốc gia. Ở đội U.23 cũng vậy, sự xuất hiện của một số gương mặt U.19 trong đợt tập trung lần này khiến người ta phải bất ngờ không hiểu vì sao “cái gì ông Miura cũng biết”.


2. Công bằng mà nói, để cho ông Miura làm như vậy đó là lỗi của VFF. Sử dụng HLV theo kiểu “2 trong 1” là chuyện cực chẳng đã, có thể vì hoàn cảnh hoặc khó khăn tài chính nhưng để cho ông “một mình một bóng” như vậy lại là chuyện thuộc về năng lực của VFF. Thông thường, người ta chỉ sử dụng kiểu HLV như vậy nếu muốn đưa một thế hệ trẻ lên “thay máu” cho tuyển quốc gia như cái cách mà bóng đá Thái Lan làm với trường hợp của Kiatisak. Nhưng tại Việt Nam, chúng ta thấy các lão tướng vẫn đầy đủ có mặt ở đội 1.


Mặt khác, thời “2 trong 1” của các HLV ngoại trước đây tương đối dễ hiểu do các sân chơi quốc tế không nhiều. Thực tế thì mỗi năm, HLV trưởng chỉ làm việc với 1 đội, cũng dễ dàng quan sát và tập trung về chuyên môn. Có năm bị “kẹt” như thời Calisto thì có đến 2 Ban huấn luyện khác nhau để lo cho 2 đội tuyển và Calisto cũng không “ôm” việc mà trao quyền cho Lê Huỳnh Đức hoặc Phan Thanh Hùng. Trong khi đó, chỉ trong vòng 1 năm qua, HLV Miura liên tục chuyển từ đội lớn sang đội nhỏ và hoàn toàn không sử dụng 2 hệ thống huấn luyện khác nhau. Tiêu biểu như thời điểm SEA Games, HLV Miura vẫn cứ “2 trong 1” và chúng ta đều biết, VFF không nói gì.


Hãy khoan bàn về tài năng của HLV Miura dù sau hơn 1 năm, sự nghi ngờ ngày một nhiều hơn. Điều đáng nói là ông Miura chưa từng có kinh nghiệm dẫn dắt các đội tuyển quốc gia, chưa từng làm việc với bóng đá trẻ, chưa có kinh nghiệm theo kiểu “2 trong 1”. Việc HLV Miura nhận cùng lúc 2 đội tuyển cứ cho là do “điếc không sợ súng”, là chuyện của cá nhân ông nhưng việc chúng ta đến thời điểm này vẫn cứ duy trì cách làm cũ thì thật khó hiểu.


Hồ Việt (SGGP)