Hoạt động thể dục thể thao trong trường học không chỉ nhằm nâng cao sức khỏe mà còn góp phần rèn luyện lối sống lành mạnh cho học sinh, tuyển chọn tài năng thể thao cho địa phương và cả nước. Tuy nhiên, hiện nay việc phát triển thể thao học đường chưa được quan tâm đúng mức.
Hoạt động thể dục thể thao (TDTT) trong trường học không chỉ nhằm nâng cao sức khỏe mà còn góp phần rèn luyện lối sống lành mạnh cho học sinh, tuyển chọn tài năng thể thao cho địa phương và cả nước. Tuy nhiên, hiện nay việc phát triển thể thao học đường chưa được quan tâm đúng mức.
Toàn tỉnh Khánh Hòa hiện có 706 giáo viên giảng dạy môn Giáo dục thể chất từ cấp tiểu học đến THPT, trong đó hơn 73% có trình độ chuyên môn đạt trên chuẩn. Nhìn chung, đội ngũ này đáp ứng đủ công tác giảng dạy chính khóa và hoạt động ngoại khóa ở các trường. Chất lượng giáo dục thể chất ở các trường có chuyển biến nhất định so với trước, hàng năm có hơn 90% học sinh xếp loại từ đạt trở lên đối với môn học này.
Các cầu thủ nhí tranh tài tại Festival bóng đá học đường U13 vòng loại Nha Trang. Ảnh: PHÚC HIẾU |
Bên cạnh đó, những năm gần đây, các câu lạc bộ (CLB) TDTT trường học tiếp tục được xây dựng, duy trì với các môn: bóng đá, bóng chuyền, cầu lông..., tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên, học sinh tham gia tập luyện và thi đấu các giải thể thao. Có 30% trường tiểu học đã thành lập CLB cờ vua. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vạn Ninh, TP. Nha Trang, TP. Cam Ranh... thành lập CLB TDTT trường học trọng điểm theo khu vực (cụm trường) trên cơ sở môn thể thao thế mạnh của địa phương. Hàng năm, tại Hội khỏe Phù Đổng các cấp, ngoài những môn phổ biến, nhiều trường đã chú trọng đến các môn đặc trưng của địa phương như: bắn nỏ, kéo co, đẩy gậy... Thông qua các giải TDTT được tổ chức, ngành Giáo dục và Đào tạo đã tuyển chọn và đào tạo học sinh tham gia giải thể thao do các cấp, ngành tổ chức và đạt được một số thành tích đáng khích lệ. Ngoài ra, các lớp năng khiếu TDTT được tổ chức tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh cũng làm nòng cốt cho thể thao của ngành và của tỉnh.
Thực tế, hoạt động TDTT trong trường học có vai trò quan trọng trong việc phát triển toàn diện cho học sinh. Tuy nhiên, có một thực tế là nhận thức của xã hội đối với môn Giáo dục thể chất trong nhà trường nói riêng và hoạt động TDTT học đường nói chung còn nhiều hạn chế. Không ít phụ huynh đầu tư thời gian, tiền bạc cho con theo học các môn văn hóa hay nghệ thuật, nhưng lại xem nhẹ việc phát triển thể chất của trẻ thông qua phong trào TDTT. Trong khi đó, đội ngũ giáo viên dạy môn Giáo dục thể chất hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới giảng dạy và tập luyện TDTT của ngành. Đặc biệt, số giáo viên có chuyên môn về bóng rổ, aerobic, các môn võ... còn ít. Toàn tỉnh có khoảng 3% giáo viên dạy kiêm nhiệm nên hạn chế về kinh nghiệm giảng dạy môn học này.
Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, khó khăn lớn nhất trong phát triển phong trào TDTT học đường hiện nay là cơ sở vật chất ở các trường còn nhiều hạn chế. Tình trạng thiếu sân chơi, sân tập thể thao cho học sinh khá phổ biến. Nhiều trường học không có sân bãi phục vụ cho học tập và thi đấu các môn thể thao, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, tập luyện thiếu và xuống cấp, phải giảng dạy tại các sân bóng của địa phương nên thời gian và điều kiện học tập còn nhiều thiếu thốn...
Để phong trào TDTT trong trường học phát triển mạnh mẽ và hiệu quả, thiết nghĩ, cùng với sự năng động, tích cực của các trường và ngành Giáo dục, rất cần sự quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ dạy, học và tập luyện TDTT từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân... Có như vậy mới cải thiện được môi trường giáo dục thể chất cho học sinh và hướng đến nền giáo dục toàn diện.
T.V