02:10, 16/10/2015

Phải tìm đường mới

Thế là đội tuyển Việt Nam lại thua đội tuyển Thái Lan ngay tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình, không những thua, mà còn thua đau với tỉ số đậm đà 0-3 trong một thế trận bị lấn lướt hoàn toàn.

Thế là đội tuyển Việt Nam lại thua đội tuyển Thái Lan ngay tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình, không những thua, mà còn thua đau với tỉ số đậm đà 0-3 trong một thế trận bị lấn lướt hoàn toàn. Thế nhưng, có lẽ kết quả này lại không phải là quá ngạc nhiên đối với khá nhiều cổ động viên lẫn các nhà chuyên môn, bởi hi vọng thì có hi vọng, nhưng sự thật người Thái vẫn ở đẳng cấp cao hơn chúng ta là một sự thật không thể chối cãi.

 

Nếu không có sự đồng bộ hóa về lối chơi, những Công Vinh và Công Phượng rất khó có thể phối hợp tốt cùng nhau.
Nếu không có sự đồng bộ hóa về lối chơi, những Công Vinh và Công Phượng rất khó có thể phối hợp tốt cùng nhau.


Có rất nhiều ý kiến trái chiều nổ ra sau trận thua này, lớp thì đổ nguyên nhân thất bại là do huấn luyện viên Toshiya Miura với lối chơi phòng ngự phản công của ông, lớp thì đổ lỗi cho các cầu thủ đội tuyển Việt Nam có tâm lí buông xuôi quá sớm, lớp thì đổ lỗi cho VFF không có được một chiến lược phát triển bóng đá Việt đúng đắn… Nhưng đổ lỗi thì dễ, chấp nhận thực tế mới là điều khó khăn và cần thiết hơn rất nhiều. Muốn tiến bộ, chúng ta phải chấp nhận thay đổi tư duy, thay đổi chiến thuật ngay từ bóng đá trong nước, bởi trên thực tế, lối đá của đội tuyển Thái Lan đang hoàn toàn “khắc” chúng ta.


Nói đến “khắc” không phải là chỉ lối đá của đội tuyển Thái Lan chuyên khắc chế chúng ta, cũng không phải là lối đá của đội tuyển Thái Lan đối lập hoàn toàn với lối đá của đội tuyển Việt Nam, mà là lối đá của họ đang vận hành là giống với lối đá của các câu lạc bộ tại V-League, nhưng ở một đẳng cấp cao hơn nhiều. Nghe qua thì có vẻ bất hợp lí, nhưng trên thực tế, giữa 2 đội bóng có cùng lối đá thi đấu với nhau, đội bóng ở đẳng cấp cao hơn sẽ rất dễ dàng khắc chế đội còn lại, bởi vì đã nắm quá rõ lối đá của đối phương. Một ví dụ minh họa đó là trường hợp của U19 Việt Nam đã thua U19 Hàn Quốc 0-6 ở năm trước.


Lối đá mà các cầu thủ Việt Nam hay sử dụng đó là lối đá nhỏ, dựa nhiều vào sự khéo léo và kỹ thuật cá nhân của cầu thủ. Bởi vậy nên các câu lạc bộ như Arsenal, Barcelona… rất được hâm mộ tại Việt Nam, được xem như là hình mẫu để các câu lạc bộ tại Việt Nam hướng tới. Nhưng cũng đừng quên, bóng đá Thái Lan cũng đã sử dụng lối đá này từ rất lâu rồi. Và dĩ nhiên, các cầu thủ Thái Lan sử dụng lối đá đó ở đẳng cấp cao hơn, biến hóa hơn, và nhiều bài miếng hơn. So hình thể chúng ta thua, so kỹ thuật chúng ta thua, so khả năng giữ bóng chúng ta thua, so tư duy chiến thuật chúng ta thua, vậy làm sao mà các cầu thủ chúng ta có thể triển khai được lối chơi trước một đối thủ nắm rõ về lối chơi đó nhưng lại ở một đẳng cấp cao hơn? Đó thuần túy là áp chế về mặt lối chơi, khiến cho các đội tuyển Việt Nam sẽ dần bị bẻ gãy ở các tuyến, để rồi chuyện sụp đổ chỉ là chuyện sớm muộn.


Có lẽ, đó là lí do tại sao huấn luyện viên Kiatisuk rất tự tin khi tuyên bố sẽ chiến thắng đội tuyển Việt Nam. Đó là bởi vì Kiatisuk quá hiểu bóng đá Việt, quá hiểu với lối chơi như vậy, tuyển Việt Nam sẽ không thể chiến thắng được tuyển Thái Lan. Và cũng có lẽ cũng với lí do tương tự, huấn luyện viên Miura đã xây dựng cho đội tuyển Việt Nam một lối đá khác đi, một lối đá mang hơi hướng châu Âu, giống như của đội tuyển Nhật Bản hiện tại. Đó là lối đá nhanh, ít chạm, dựa nhiều vào những tiền vệ cánh có tốc độ cao thọc sâu vào hai biên, cùng với một hàng tiền vệ mạnh mẽ, không ngại va chạm đánh chiếm khu vực giữa sân. Lối đá đó hoàn toàn có thể đối chọi lại với lối đá của người Thái, nhưng cũng cách mà các đội bóng châu Âu đối phó với lại những đội bóng có lối đá nhỏ, kỹ thuật. Nhưng đáng tiếc, đó chỉ là trên ý tưởng, khi mà chính bản thân cầu thủ Việt Nam không thể đáp ứng đúng yêu cầu.


Lối đá nhỏ, kỹ thuật đã ăn sâu vào bóng đá Việt. Bản thân các cầu thủ khi thi đấu ở cấp câu lạc bộ đã liên tục sử dụng lối đá đó, vậy làm sao họ có thể thay đổi lối đá của mình khi lên đội tuyển? Cùng lắm là họ chỉ có thể đáp ứng tối đa có thể, kiểu như đá tròn vai, để rồi ở những thời điểm căng thẳng, họ lại trở về với lối đá đã ăn sâu vào bản chất của họ. Đá như vậy, không thể chiến thắng được người Thái với sự đầu tư về bóng đá hết sức bài bản ngay từ bóng đá học đường, với vô số lò đào tạo bóng đá trên khắp cả nước. Họ đã nâng tầm lối đá nhỏ, kỹ thuật ấy lên, hòa trộn nó với nhiều bài miếng hơn. Họ có những cầu thủ kỹ thuật cá nhân cực giỏi, họ có những cầu thủ thủ tranh chấp cực tốt ở khu vực giữa sân, họ có những cầu thủ có khả năng dốc bóng với tốc độ cao ở hai biên cùng với những đường chuyền chính xác, họ có những cầu thủ có khả năng sút xa tốt… Và đáng tiếc, chúng ta không có hoặc không bằng.


Rất rõ ràng, muốn chiến thắng người Thái, chúng ta phải thay đổi, chúng ta phải đi tìm một con đường khác với hiện tại. Chúng ta chỉ có thể có 2 con đường có thể lựa chọn, đi theo con đường của người Thái, trung thành với lối đá nhỏ, kỹ thuật và dần nâng tầm nó lên cho đến khi vượt được người Thái. Có thể nói, cách này là cần sự đầu tư và thời gian lâu dài. Con đường thứ hai, đó là sử dụng lối chơi của bóng đá châu Âu như huấn luyện viên Miura đang áp dụng cho đội tuyển, và tập trung chuyên sâu vào nó hơn. Muốn vậy, chúng ta cần có sự thay đổi lối chơi đồng bộ ở tất cả các đội tuyển trẻ và lựa chọn những con người phù hợp hơn với lối chơi đó. Những cầu thủ mạnh mẽ, giàu thể lực, có tốc độ cao, có chiều cao tốt sẽ là những con người thích hợp. Cho dù là lựa chọn con đường nào, điều cần thiết đó là phải thay đổi đồng bộ hóa từ trên xuống dưới, tập trung toàn tâm toàn ý vào lối chơi đó, chứ không phải thay đổi kiểu nửa vời, lối chơi của đội trẻ (các lứa U) nào là phụ thuộc vào huấn luyện viên đó. Nhân tuyển không phù hợp để rồi khi thất bại lại đổ hoàn toàn trách nhiệm cho huấn luyện viên.


Để tìm một con đường khác, trách nhiệm của VFF là vô cùng lớn. Cần có tâm huyết và kiên định đi trên con đường đã lựa chọn, đó mới là cách làm đúng đắn, nếu chúng ta muốn vượt người Thái.


Duy Duy