Mục tiêu của thể thao Việt Nam hoạch định đạt từ 20 tới 25 suất chính thức dự Olympic 2016. Nhà quản lý của Tổng cục Thể dục thể thao tại hội nghị triển khai công tác ngành diễn ra đầu năm 2015 mạnh mẽ cho rằng chúng ta có triển vọng đạt được như vậy.
Mục tiêu của thể thao Việt Nam hoạch định đạt từ 20 tới 25 suất chính thức dự Olympic 2016. Nhà quản lý của Tổng cục Thể dục thể thao (TDTT) tại hội nghị triển khai công tác ngành diễn ra đầu năm 2015 mạnh mẽ cho rằng chúng ta có triển vọng đạt được như vậy. Bây giờ, năm 2015 đã gần khép lại và Việt Nam vẫn chỉ có 3 suất chính thức tới Brazil năm tới…
SEA Games không thể sánh Olympic
Tháng 6 vừa qua, thể thao nước nhà tưng bừng với những kết quả huy chương vàng choáng ngợp. Tất cả tạo nên một làn sóng và tin tưởng thể thao Việt Nam đã mạnh hơn rất nhiều. Tuy vậy, nhìn vào thực tế chuyên môn, kết quả ở SEA Games hoàn toàn không thể so sánh với chuẩn Olympic của thể thao thế giới.
Vận động viên Nguyễn Thị Huyền có thể sẽ vuột suất tham dự Olympic 2016 |
Gần 200 vận động viên (VĐV) của Việt Nam dự SEA Games 28, chúng ta chỉ có 2 người đạt được vé chính thức Olympic 2016 thông qua thi đấu tại đại hội này là Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi) và Nguyễn Thị Huyền (điền kinh). Thế nhưng, mới nhất, cơ hội của Nguyễn Thị Huyền có thể sẽ bị mất do Liên đoàn Điền kinh thế giới IAAF đã đưa cách tính trao suất mới dựa theo kết quả từ cao xuống thấp chứ không phải vượt chuẩn là sẽ đi Brazil.
Trở lại với Hội nghị triển khai công tác ngành Thể thao 2015 như đã nói ở trên, lúc đó, lãnh đạo cao nhất của Tổng cục TDTT khẳng định nhiệm vụ Olympic và SEA Games sẽ song hành. Thế nhưng, nhiệm vụ Olympic vẫn được ưu tiên trên hết để giành suất chính thức. Nhà quản lý chia sẻ rằng sẽ có thể không đưa những nhân tố nhắm cho suất Olympic 2016 tham gia SEA Games 28. Tuy nhiên nhìn lại, tất cả các môn thi đấu ở Singapore trong tháng 6, môn nào cũng đưa VĐV số 1 của mình vào thi đấu (trừ cử tạ không tham gia SEA Games 28) như: Tiến Minh, Vũ Thị Trang (cầu lông), Ánh Viên, Quý Phước, Duy Khôi (bơi), Hà Thanh (thể dục dụng cụ), Xuân Vinh (bắn súng), Nguyễn Thị Huyền, Quách Thị Lan, Bùi Thị Thảo (điền kinh)...
Chúng ta đang dần mất niềm tin rằng con số 20 hay 25 suất chính thức có thể sẽ không có. Thay vào đó, các môn có thể vẫn được suất dự Olympic nhưng thể thao Việt Nam sẽ quay lại như thuở ban đầu là đi bằng suất đặc cách dành cho quốc gia đang phát triển.
Bài toán nguồn nhân lực
Thể thao Việt Nam từ đầu năm đưa bảng đầu tư trọng điểm 64 người. Nhóm môn nhắm suất chính thức Olympic 2016 đều có trong này. Trừ trường hợp của Ánh Viên được tập chuyên biệt, tại nước ngoài thì phần lớn VĐV các môn khác phải lấy thi đấu quốc tế làm tập huấn. Một mình Ánh Viên “ngốn” không dưới 4 tỷ đồng đầu tư cho chương trình tập luyện thi đấu trong 1 năm. Không nhiều môn có được tiền như vậy.
Đến như điền kinh, bây giờ, chúng ta đã có VĐV được tập dài ngày tại Mỹ (Quách Công Lịch và Quách Thị Lan). Tuy nhiên, tiền ấy là tiền góp từ ngành Thể thao với đơn vị quản lý của VĐV. Đầu tư của thể thao Việt Nam so với sự chuẩn bị dành cho Olympic 2008 và Olympic 2012 đã nhỉnh hơn. Nhưng nhìn vào cơ hội, chúng ta lại không có con người mới để thay đổi. Đơn cử, cầu lông vẫn miệt mài với chỉ một Tiến Minh.
Và giờ, suất dự Olympic 2016 của Tiến Minh bị đe dọa đáng kể thì cầu lông cũng không biết trông vào ai thay thế. Thể dục dụng cụ cũng trong hoàn cảnh tương tự. Duy nhất Phan Thị Hà Thanh đủ lực tranh vé chính thức nhưng cơ hội của cô đã dần xa với kết quả tại giải Vô địch thế giới 2015 đang thi đấu. Trong nhóm 5 môn Olympic thuộc dạng nhóm 1 mà chúng ta đặt kỳ vọng thì chỉ bắn súng, bơi đã có vé chính thức dự Olympic 2016. Thể dục dụng cụ và điền kinh chưa thể yên tâm. Cử tạ còn đang tập luyện tốt nhất để có vé rồi mới là môn thuộc diện kỳ vọng huy chương Olympic của thể thao Việt Nam.
Nguyễn Đình (SGGP)