09:10, 28/10/2015

Đào tạo huấn luyện viên đội tuyển cho tương lai

Năm 2009, khi đang là Trưởng bộ môn bóng đá của Tổng cục Thể dục thể thao, ông Mai Đức Chung xin nghỉ để "lao vào lửa" - nhận lời dẫn dắt Câu lạc bộ Becamex Bình Dương và cùng Câu lạc bộ này tạo nên kỳ tích lọt vào bán kết AFC Cup.

1. Năm 2009, khi đang là Trưởng bộ môn bóng đá của Tổng cục Thể dục thể thao, ông Mai Đức Chung xin nghỉ để “lao vào lửa” - nhận lời dẫn dắt Câu lạc bộ (CLB) Becamex Bình Dương và cùng CLB này tạo nên kỳ tích lọt vào bán kết AFC Cup. Sau một thời gian cầm quân tại các CLB, ông Chung được mời về làm ở Hội đồng huấn luyện viên (HLV) quốc gia của VFF, nhưng sau đó lại nghỉ để đến Bình Dương và cùng đội này vô địch V-League mùa bóng vừa qua.

 

Huấn luyện viên Phan Thanh Hùng - Lê Huỳnh Đức đã để lại dấu ấn đậm ở các câu lạc bộ bóng đá nội
Huấn luyện viên Phan Thanh Hùng - Lê Huỳnh Đức đã để lại dấu ấn đậm ở các câu lạc bộ bóng đá nội


Ông Mai Đức Chung là HLV thâm niên dẫn dắt đội tuyển nữ quốc gia với thành tích 2 huy chương vàng tại các kỳ SEA Games 2003, 2005. Ông từng là trợ lý của HLV Alfred Riedl ở tuyển quốc gia, từng cùng U.23 Việt Nam vô địch cúp Merdeka, cũng từng được VFF nhờ nắm đội U.19. Trong giới cầm quân, sau ông Lê Thụy Hải thì chính ông Chung là người có kinh nghiệm làm việc nhiều nhất cho VFF. Điểm chung của 2 chuyên gia hàng đầu Việt Nam này là chưa từng có được một vị trí trang trọng trong bộ máy VFF, dù có lần ông Chung được tiến cử cho chức danh Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn của tổ chức này.


2. Suốt 20 năm phát triển bóng đá Việt Nam, số lượng HLV người Việt được VFF mời làm việc không hề nhỏ, chủ yếu để giúp việc cho các HLV trưởng người nước ngoài trên tuyển. Lớn tuổi thì có cố danh thủ Phạm Huỳnh Tam Lang, Trần Duy Long, Lê Thụy Hải, Nguyễn Thành Vinh, Mai Đức Chung. Trẻ thì có Phan Thanh Hùng, Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Văn Sỹ, Hoàng Anh Tuấn... Ít nhiều, họ đều để lại dấu ấn mỗi khi được trọng dụng, tuy nhiên, điểm chung là việc sử dụng họ đều mang tính chất ngắn hạn và gần như lệ thuộc vào sự chọn lựa của các HLV, thay vì phải được xây dựng êkíp bởi Hội đồng HLV nhằm tạo tính kế thừa và giúp họ có thời gian tích lũy kinh nghiệm khi làm việc với chuyên gia ngoại. Như dưới thời HLV Miura, các trợ lý người Việt chỉ làm công tác sự vụ.


Khi HLV Calisto còn làm việc, chính chuyên gia người Bồ Đào Nha từng làm thay việc của VFF khi tạo ra một êkíp huấn luyện mạnh với những cái tên như: Lê Huỳnh Đức, Phan Thanh Hùng, Nguyễn Văn Sỹ... - những người đã có thành tích tại CLB và được ông Calisto mạnh dạn ủy quyền điều hành các đội tuyển khi ông bận việc. Chính nhờ điều này mà sau thời ông Calisto, VFF mới bắt đầu có suy nghĩ sử dụng HLV nội. Tuy nhiên, cũng như mọi lần, cách dùng người của VFF vẫn mang tính ngắn hạn và chỉ sau 2 năm với Phan Thanh Hùng, Hoàng Văn Phúc, bóng đá Việt Nam quay lại với HLV người Nhật Bản Miura, gần như xóa sạch những gì đã tạo ra dưới thời Alferd Riedl và Calisto.


3. Số lượng các tuyển thủ quốc gia thời thế hệ vàng các năm 1995 - 2002 theo nghiệp cầm quân đến nay lên đến gần 30 người và đều có những dấu ấn nhất định tại các CLB. Tuy nhiên, không phải ai cũng hy sinh thời gian và tiền bạc để tự nâng cao tay nghề bởi họ phải loay hoay tìm việc để chăm lo đời sống gia đình. Đã từng thử nghiệm dùng HLV nội nhưng cho đến nay, VFF chưa từng có một kế hoạch cụ thể để xây dựng hệ thống các “hạt giống đỏ” cho vị trí HLV các đội tuyển trong tương lai, dù khi cần họ vẫn mời lên làm việc.


Đăng Linh (SGGP)