Đội tuyển chiến thắng nhưng cổ động viên lại đòi sa thải huấn luyện viên. Đó là trường hợp của huấn luyện viên Toshiya Miura. Chỉ sau một trận thắng không được đẹp mắt như mong đợi trước đội tuyển Đài Loan (Trung Quốc), người ta đã có thể lôi ra những thất bại của đội tuyển Việt Nam trong quá khứ ...
Đội tuyển chiến thắng nhưng cổ động viên lại đòi sa thải huấn luyện viên (HLV). Đó là trường hợp của HLV Toshiya Miura. Chỉ sau một trận thắng không được đẹp mắt như mong đợi trước đội tuyển Đài Loan (Trung Quốc), người ta đã có thể lôi ra những thất bại của đội tuyển Việt Nam trong quá khứ để đưa ra một kết luận, HLV Miura không xứng làm HLV trưởng đội tuyển Việt Nam.
Huấn luyện viên Miura đang phải gánh chịu cho cả một nền bóng đá yếu kém? |
Không xứng bởi ông Miura đã “dám” làm những chuyện mà người hâm mộ xem là “đại nghịch bất đạo”. Chẳng hạn như ông sử dụng lối đá phòng thủ phản công, bỏ đi lối chơi bóng nhỏ truyền thống mà vốn được cho là phù hợp với cầu thủ Việt Nam; đề cao thể lực hơn là những yếu tố kỹ thuật; không gọi lên tuyển những cầu thủ ngôi sao của câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai rất được lòng người hâm mộ... Cái mà ông dám trái ý người hâm mộ rất nhiều, còn những cái mà người hâm mộ muốn là gì? Là đội tuyển phải đá đẹp mắt, phải đá bóng nhanh như Arsenal, phải đan bóng đẹp như Barcelona, phải tấn công đẹp như Manchester United. Chỉ cần làm được như vậy thôi, còn thắng bại thực ra... không quan trọng lắm.
HLV Miura không xứng, bởi vì ông không thể đáp ứng được những đòi hỏi của người hâm mộ. Ông không thể cho các cầu thủ của ông đá như Barcelona chỉ bởi vì Barcelona có những cầu thủ như Messi, Xavi... cũng “lùn” như cầu thủ Việt Nam. Ông không thể cho các cầu thủ của ông đá nhanh như Arsenal bởi cầu thủ của ông... thể lực yếu chạy không nổi. Ông cũng không thể cho cầu thủ của ông tấn công đẹp mắt như Manchester United chỉ đơn giản là vì... cầu thủ của ông làm không nổi. Ông có thể làm được đơn giản là nâng cao thể lực cho cầu thủ, rót cho cầu thủ một bầu nhiệt huyết, cho các cầu thủ ấy đá với một chiến thuật phù hợp với họ. Ông có thể làm được chỉ là đá bại Iran 4-1 dẫn đầu bảng ASIAD 17 ở Hàn Quốc, đưa U23 Việt Nam lọt vào vòng chung kết U23 châu Á, và giành huy chương đồng SEA Games 28. Cho dù là vậy, ông vẫn không xứng.
Nói đi thì cũng nói lại. Khi Hoàng Anh Gia Lai, đội bóng mà người hâm mộ xem như là hình mẫu cho lối đá đẹp mắt để đội tuyển quốc gia hướng tới đang ngụp lặn dưới đáy của bảng xếp hạng, phải vật lộn cật lực để kiếm được suất trụ hạng. Khi mà các tuyển thủ bóng đá quốc gia đổ mồ hôi và máu trên sân đấu, để rồi nghe phán một câu “xanh rờn” đá như bán độ. Khi mà các tuyển thủ U19 đá cật lực để có được chiếc huy chương bạc U19 Đông Nam Á, thì chỉ với một trận thua trước Thái Lan những cố gắng của họ đã bị xổ toẹt, đón chào họ khi về nước chỉ là sự lạnh nhạt của những người hâm mộ...
Người hâm mộ đòi hỏi phải thắng Thái Lan, nhưng có bao giờ họ nghĩ tới đối đầu với tuyển Việt Nam không chỉ là một đội tuyển Thái Lan, mà đó là cả một nền bóng đá được đầu tư bài bản, lâu dài và có chiều sâu hay không? Và có bao giờ họ nhận ra được một thực tế, bản thân họ cũng không xứng là người hâm mộ, không xứng được đưa ra những bình phẩm, không xứng đối với các cầu thủ đội tuyển Việt Nam hay không? Hãy nhìn ra ngoài, cổ động viên Liverpool vẫn luôn ca vang bài hát You’ll Never Walk Alone như minh chứng cho lòng trung thành của mình với câu lạc bộ, dù cho câu lạc bộ đã hơn 20 năm chưa biết đến chức vô địch ngoại hạng Anh. Người hâm mộ bóng đá Brazil vẫn dang tay đón chào những cầu thủ của họ trở về cho dù đội bóng của họ thua “nhục nhã” trước Đức 1-7 tại World Cup 2014. Nếu người hâm mộ có quyền nói đội tuyển không xứng để họ hâm mộ, thì ở chiều ngược lại, bản thân người hâm mộ cũng sẽ phải được phán xét xem họ “có xứng” là người hâm mộ bóng đá hay không.
Chuyện xứng hay không xứng vốn là đề tài muôn thuở của bóng đá. Nếu muốn đuổi kịp người Thái, chứ đừng nói tới là vượt qua họ thì chính bản thân người hâm mộ phải có được giác ngộ, văn minh của người hâm mộ. Trước khi kêu ca, phàn nàn, đòi hỏi nền bóng đá Việt Nam phải đổi mới, phải tiến bộ, phải cải cách... thì chính bản thân người hâm mộ cũng phải thay đổi trước đã.
Trần Khánh