10:09, 17/09/2015

Điền kinh Việt Nam: Cuộc đua khốc liệt

Trong lúc anh em Quách Công Lịch và Quách Thị Lan được đưa sang Mỹ tập huấn nhờ nguồn kinh phí chia sẻ giữa ngành Thể dục thể thao Thanh Hóa và Tổng cục Thể dục thể thao thì khá nhiều niềm hy vọng còn lại của chiến dịch chinh phục tấm vé dự Olympic 2016 của điền kinh Việt Nam đành chấp nhận...

Trong lúc anh em Quách Công Lịch và Quách Thị Lan được đưa sang Mỹ tập huấn nhờ nguồn kinh phí chia sẻ giữa ngành Thể dục thể thao Thanh Hóa và Tổng cục Thể dục thể thao thì khá nhiều niềm hy vọng còn lại của chiến dịch chinh phục tấm vé dự Olympic 2016 của điền kinh Việt Nam đành chấp nhận... ở nhà, tập chay và đợi một phép màu nào đó xảy đến.

 

Sau Nguyễn Thị Huyền, cuộc chạy đua lấy vé tham dự Olympic 2016 càng trở nên khốc liệt hơn
Sau Nguyễn Thị Huyền, cuộc chạy đua lấy vé tham dự Olympic 2016 càng trở nên khốc liệt hơn


Khi vận động viên (VĐV) Nguyễn Thị Huyền lấy đến 2 vé dự Rio de Janeiro 2016 (400m và 400m rào nữ) thì điền kinh Việt Nam không thể trông chờ vào các suất ưu tiên được nữa. Muốn có thêm VĐV xuất hiện ở ngày hội lớn nhất hành tinh, không còn cách nào khác, các VĐV Việt Nam phải đạt được chuẩn ở các nội dung. Nhưng điều kiện cần là họ phải được dự tranh những giải điền kinh quan trọng, nằm trong hệ thống thi đấu chính thức và được Liên đoàn Điền kinh thế giới (IAAF) công nhận chuẩn Olympic.


Có một điểm khác so với kỳ Olympic 4 năm trước, tức là không có 2 loại chuẩn A và B, mà IAAF gộp lại thành 1, khiến cơ hội thành công của VĐV trở nên khó khăn hơn. Nhưng như thế xem ra cũng hợp lý, bởi lẽ Olympic là đấu trường dành cho những VĐV xuất sắc nhất các châu lục thì cần những chuẩn mực riêng để tạo nên sự khác biệt so với giải vô địch thế giới.


Ở thế khó, nhưng VĐV Nguyễn Thị Huyền vẫn giúp điền kinh Việt Nam giành đến 2 tấm vé tại SEA Games 28, thì Nguyễn Thị Thanh Phúc (20km đi bộ nữ), Đỗ Thị Thảo (cự ly trung bình), Trần Huệ Hoa (nhảy 3 bước nữ), Thu Thảo (nhảy xa nữ), Phạm Thị Diễm và Dương Thị Việt Anh (nhảy cao), Nguyễn Trọng Hinh (100m và 200m nam)... cần nỗ lực hơn nữa trong cuộc chạy đua.


Có những cơ hội đến, song VĐV của chúng ta không thể thành công trong nỗ lực giành vé đến Brazil. Chẳng hạn trước khi môn điền kinh của SEA Games 28 khởi tranh, đã diễn ra giải vô địch châu Á 2015. Thành thử VĐV Việt Nam cũng như hầu hết các quốc gia trong khu vực đều “ngó lơ” giải châu lục để tập trung toàn lực cho cuộc đua ở Đông Nam Á, vì ở đó dễ chiến thắng và khả năng lấy vé cao hơn rất nhiều.


Tiếc rằng, chất lượng của cuộc tranh tài ở SEA Games chưa đủ để tạo nên những cơn mưa kỷ lục, những thành tích vượt trội và giúp VĐV đạt chuẩn dự Olympic 2016. Trượt bài thi ở khu vực, ngỡ ngàng ngoái lại thì giải vô địch châu lục đã qua, càng không có cơ hội xuất hiện ở giải vô địch thế giới, khiến giấc mơ Olympic ngày càng trở nên xa vời.


LÊ HÙNG (SGGP)