11:10, 02/10/2014

Xin đừng nhìn vào con số chỉ tiêu!

Cứ trước mỗi lần xuất quân tham dự sân chơi thể thao nào đó cấp khu vực, châu lục hay olympic, thể thao Việt Nam đều đặt ra chỉ tiêu với con số cụ thể bao nhiêu "vàng".

Cứ trước mỗi lần xuất quân tham dự sân chơi thể thao nào đó cấp khu vực, châu lục hay olympic, thể thao Việt Nam đều đặt ra chỉ tiêu với con số cụ thể bao nhiêu “vàng”. Để rồi, khi khép lại sân chơi đó lại là việc nhìn nhận, đánh giá có đạt được chỉ tiêu hay không, mà quên rằng con số huy chương màu vàng ấy chưa hẳn đã nói lên sự tiến bộ của thể thao nước nhà. Ở Asiad 17 cũng vậy, trước khi xuất quân, thể thao Việt Nam đặt mục tiêu đoạt từ 2 đến 3 Huy chương Vàng (HCV). Sau 11 ngày thi đấu, đoàn thể thao Việt Nam mới chỉ đạt 1 HCV, xếp thứ 21 trên bảng tổng sắp. Và khi chứng kiến các môn mũi nhọn lần lượt thi đấu, lúc này người ta bật lên câu nói quen thuộc: Đoàn Việt Nam khó hoàn thành chỉ tiêu vàng ở Asiad kỳ này.  

 

Taekwondo được kỳ vọng sẽ mang lại “vàng” cho thể thao Việt Nam nhưng đã thất bại sau 2 ngày ra quân.
Taekwondo được kỳ vọng sẽ mang lại “vàng” cho thể thao Việt Nam nhưng đã thất bại sau 2 ngày ra quân.


Có thể thấy, chiếc HCV của đoàn Việt Nam cho đến thời điểm này là niềm hạnh phúc vô bờ bến của người đã nỗ lực để giành được nó. Thế nhưng, nhìn tổng thể, kết quả đó thật đáng buồn cho thể thao Việt Nam, bởi người duy nhất mang về HCVàng cho thể thao nước nhà đến thời điểm này lại đến từ một cái tên ngoài sự mong đợi của các nhà làm thể thao và giới chuyên môn: Dương Thúy Vi (môn wusu). Trong khi đó, những cái tên chủ lực của những bộ môn mũi nhọn, những niềm hy vọng vàng lại gây thất vọng lớn: Bơi lội (Nguyễn Thị Ánh Viên), cử tạ (Thạch Kim Tuấn), bắn súng (Hoàng Xuân Vinh), hay các võ sĩ taekwondo… Thất vọng không hẳn là đến từ bản thân các vận động viên ấy, mà đến từ sự chủ quan, cái nhìn thiển cận của các nhà chuyên môn trong công tác thể thao. Họ đã đánh giá quá cao các vận động viên của mình mà không hề đặt trong sự tương quan so sánh với các nước khác. Họ cho rằng thành tích hiện có của những cái tên ấy đã là thỏa mãn, là đủ mà quên rằng đối thủ của mình leo núi còn nhanh hơn, để rồi sau đó là những phân trần rằng bị bất ngờ trước sự xuất sắc của những “cao thủ” mới hơn, trẻ hơn của các nước cùng châu lục. Kình ngư trẻ Ánh Viên có thể không có đối thủ ở “ao làng” Đông Nam Á, có thể có những tiến bộ không ngừng sau nhiều giải tầm thế giới, nhưng qua sân chơi châu lục này cho thấy cô vẫn phải nỗ lực hơn nhiều. Các võ sĩ taekwondo đã chuẩn bị rất kỹ, quyết tâm cũng rất cao nhưng ngày thứ 2 ra quân cũng chẳng mang lại thêm chiếc HCV màu vàng... Có nghĩa, họ chưa đạt đến “tầm” như các nhà quản lý thể thao vẫn nghĩ, vẫn tưởng trong đầu.


Ai cũng biết, đặt ra chỉ tiêu là để các thành viên có tên trong đoàn tham gia thi đấu có ý thức nỗ lực hết mình để mang lại thành quả chung cho thể thao nước nhà, như một nghĩa vụ phải hoàn thành. Nhưng có những điều còn cần quan tâm hơn nhiều là việc có đạt được chỉ tiêu hay không. Đó là việc nhìn nhận ra được các vận động viên của chúng ta đang ở ngưỡng nào, đạt đến tầm nào so với các đối thủ cùng châu lục. Đó là việc các vận động viên và cả những nhà làm công tác quản lý học được gì từ vận động viên các nước bạn, để từ đó có ý thức nỗ lực hơn, nâng tầm hơn, để có những định hướng cho tương lai của những bộ môn chủ lực, cũng là cho tương lai tươi sáng của nền thể thao nước nhà. Tất nhiên, giành huy chương cho đất nước là điều đáng quý, đáng trận trọng và tự hào, nhưng với bản thân nhiều vận động viên, đôi khi, tấm HCV hay bất kỳ huy chương màu gì cũng không mang nhiều ý nghĩa lắm. Hãy nhìn Ánh Viên bước lên bục nhận Huy chương Đồng cũng thấy đó là niềm hạnh phúc rất lớn của cô trước sự tiến bộ của bản thân. Hay như tay vợt Nguyễn Tiến Minh bày tỏ trận đấu với Lee Chong Wei là trận đấu hay nhất của anh, một trận đấu sòng phẳng với đối thủ đang nắm giữ vị trí số 1 thế giới trên bảng xếp hạng của cầu lông thế giới, nhất là trong bối cảnh tay vợt số 1 của Việt Nam đang ở phía bên kia sườn dốc của sự nghiệp…


Thế nên, có khi việc có hoàn thành chỉ tiêu hay không cũng chưa hẳn đã quan trọng. Bởi việc không đạt chỉ tiêu thì đã sao nếu so con số 1 HCV của thể thao Việt Nam tính đến 17 giờ ngày 1-10 với các nước trong khu vực như Thái Lan (với 9 HCV), Singapore (5 HCV), Malaysia (4 HCV), Indonesia (3 HCV)…; chưa nói tới các nước ở tốp đầu như Trung Quốc (130 HCV), Hàn Quốc (57 HCV), Nhật Bản (38 HCV)… Nghĩ mà lo cho những cái đầu chỉ đặt nặng vấn đề thành tích trước mắt, để chăm chăm bật ra cụm từ báo cáo quen thuộc “hoàn thành hay vượt chỉ tiêu đề ra” mà quên đi cái thực chất của thể thao Việt Nam đang đứng ở đâu, có với theo kịp giữa bao ngọn núi cao của châu lục, của thế giới, và ngay cả của khu vực. Và, nếu chỉ biết mình mà không biết người thì thể thao nước nhà mãi chẳng thể nâng tầm lên được.


B.T