01:09, 30/09/2014

Ký ức một thời của cựu cầu thủ Thể Công

Được cùng với nhiều cầu thủ Thể Công khác khoác áo đội tuyển bóng đá nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa sang Campuchia đá giao hữu trên sân vận động Phnong Penh ngày 7-11-1962; đưa đội bóng đá Phú Khánh thăng hạng và thi đấu tại giải A1 toàn quốc đầu tiên vào năm 1979… đó là những ký ức đẹp của cựu cầu thủ Thể Công Trần Hữu Bình.

Được cùng với nhiều cầu thủ Thể Công khác khoác áo đội tuyển bóng đá nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa sang Campuchia đá giao hữu trên sân vận động Phnong Penh ngày 7-11-1962; đưa đội bóng đá Phú Khánh thăng hạng và thi đấu tại giải A1 toàn quốc đầu tiên vào năm 1979… đó là những ký ức đẹp của cựu cầu thủ Thể Công Trần Hữu Bình.


Hiện nay, cựu cầu thủ 77 tuổi ấy đang sống tại phường Phước Hòa, TP. Nha Trang. Gặp ông tại nhà riêng, ông cứ tiếc vì không thể ra Hà Nội cùng đồng đội dự lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập đội bóng đá Thể Công (23-9-1954 - 23-9-2014). Ông khoe với chúng tôi bức ảnh lớn chụp toàn đội tại Campuchia. Mấy chục năm qua, ông luôn gìn giữ rất cẩn thận bức ảnh và xem như một kỷ vật trọng đại của đời cầu thủ. “Rất có thể chỉ mình tôi có và giữ nguyên vẹn bức ảnh chụp toàn đội đá trận mở màn tại Campuchia ngày 7-11-1962. Chuyện là có một lưu học sinh Campuchia sang học tập tại Trường Sĩ quan Kỹ thuật nơi tôi từng công tác, mang theo tấm ảnh chụp toàn đội. Tình cờ, lưu học sinh này nhận ra tôi trong tấm ảnh đó và đã tặng lại cho tôi” - ông chia sẻ.

 

Đội tuyển bóng đá nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa tại Campchia và chân dung cầu thủ Trần Hữu Bình.
Đội tuyển bóng đá nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa tại Campchia và chân dung cầu thủ Trần Hữu Bình.


Ông Bình kể, ông sinh ra tại Quảng Bình. Năm 1957, ông vào bộ đội và đóng quân ngay tại Đồng Hới. Do có khiếu đá bóng từ nhỏ nên ông được đơn vị chọn đá bóng cho sư đoàn. Năm 1959, Ban huấn luyện đội bóng Thể Công vào tận nơi xem “giò cẳng”, ông được chọn đưa về đào tạo thêm tại Thọ Xuân (Thanh Hóa), rồi ra Hà Nội. Cứ thế, bóng đá cuốn ông đi khắp mọi miền trong nước và quốc tế. Ông và nhiều cầu thủ trẻ khác được đưa sang Cộng hòa Dân chủ Đức đào tạo năm 1960. Trong khoảng thời gian 6 tháng trên đất bạn, ông được đi đá giao hữu ở 12 nước...


Năm 1962, Chính phủ quyết định đưa các đoàn thể thao sang thăm và thi đấu giao hữu với các đội bạn, riêng môn bóng đá gồm 35 thành viên. Ông vẫn nhớ và nhắc đến rất nhiều cái tên ngày ấy như hàng hậu vệ có Lai, Cảnh, Nàm...; thủ môn có Coóng, Trung, Nguyệt; tiền đạo có Văn Sĩ Chi, Long, Phàn, Tiền... Trong thời gian ở nước bạn, đội đá giao hữu 6 trận ở 3 tỉnh, thành phố khác nhau.


Khi giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc năm 1964, ông nhận lệnh “treo giày” để lên đường vào chiến trường Khe Sanh làm lính thông tin của Đoàn bộ 559. Năm 1970, với quân hàm Trung úy, ông được ra Bắc học Đại học Xây dựng... Năm 1978, ông Trần Vĩnh Lộc (lúc đó làm lãnh đạo ngành Thể thao Phú Khánh) biết ông từng là cầu thủ của Thể Công, vừa có chuyên môn về xây dựng nên đã mời ông về phụ trách xây dựng cơ bản cho đơn vị. Đầu năm 1979, ông được giao nhiệm vụ huấn luyện đội bóng đá Phú Khánh kèm theo mệnh lệnh đưa đội thăng hạng. Bằng sự nhiệt huyết bóng đá cháy bỏng trong mình, liên tục 3 tháng liền cùng ăn, cùng ngủ với cầu thủ, cùng với “kỷ luật thép” áp dụng trong tập luyện, cứ như thế, ông đã đưa đội bóng từng bước ổn định và đi vào nề nếp. Kết quả, đội bóng đá Phú Khánh ngày ấy được thăng hạng và thi đấu tại giải A1 toàn quốc đầu tiên vào năm 1979. Đó cũng là ký ức đẹp trong đời cầu thủ của ông.


Khi nói về bóng đá ngày nay, ông cho rằng không phải riêng ông mà người hâm mộ cả nước đang rất vui trước những tiến bộ và trưởng thành của lứa cầu thủ U19 thời gian qua. Tuy vậy, ông bảo, bóng đá thời nào cũng vậy, có nhiều bài học xương máu trong đời cầu thủ và cả huấn luyện viên, khi nổi danh, nếu không tự rèn mình thì rất dễ sa ngã và thất bại...


CÔNG THI