Bóng chuyền nữ Việt Nam nắm giữ danh hiệu Á quân của khu vực Đông Nam Á hơn một thập kỷ nay nhưng sự phát triển của môn thể thao này như đang giậm chân tại chỗ. Việc không cử đội dự ASIAD 17 sắp tới càng cho thấy vì sao một nền bóng chuyền có tiềm năng cứ mãi chấp nhận ánh hào quang le lói tại khu vực.
Bóng chuyền nữ Việt Nam nắm giữ danh hiệu Á quân của khu vực Đông Nam Á hơn một thập kỷ nay nhưng sự phát triển của môn thể thao này như đang giậm chân tại chỗ. Việc không cử đội dự ASIAD 17 sắp tới càng cho thấy vì sao một nền bóng chuyền có tiềm năng cứ mãi chấp nhận ánh hào quang le lói tại khu vực.
Chưa bao giờ thiếu người tài
Có thể những khán giả trẻ hiện nay cảm thấy những cái tên như Hương Giang, Nhật Giang, Bùi Hương, Thu Dậu... còn khá lạ thì những cái tên: Trần Hiền, Kim Huệ, Phạm Yến, Bùi Huệ, Diệu Châu, Đặng Hồng... gần như chiếm trọn tình cảm của người hâm mộ và chính các chị góp phần mang bóng chuyền lên một đỉnh cao. Dễ dàng nhận thấy lượng cổ động viên dành cho các cầu thủ nữ bóng chuyền ngày càng gia tăng về số lượng và hoạt động mạnh mẽ trên các diễn đàn, trang mạng xã hội.
Vòng quay thời gian cũng khiến thành phần đội tuyển có sự thay đổi nhưng sức hút và sự mến mộ dành cho các cô gái vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm. Phụ công Ngọc Hoa gần như là nhân tố không thể thiếu của đội mỗi đợt tâm trung cho các giải đấu lớn, Hà Hoa và Đào Huyền trở thành những cây chuyền chủ lực thay thế xứng đáng cho đàn chị Đặng Hồng đã qua thời kỳ đỉnh cao... Rồi Trà Giang, Bùi Nga, Âu Hồng Nhung, Nguyễn Thị Xuân... cũng trưởng thành và tinh quái hơn qua từng miếng đánh, từng pha bóng. Nếu như vị trí libero ngày trước ít tạo nên dấu ấn hơn các vị trí tấn công, cái tên Tạ Diệu Linh đã làm nên bước ngoặt cho vị trí này khi những pha cứu bóng lăn xả của cô tạo nên không ít thiện cảm với người hâm mộ.
Bóng chuyền thiếu sức bật để trở thành một “món” chủ lực của thể thao nước nhà. |
Mùa bóng 2013 - 2014 ghi nhận sự tiến bộ của các nhân tố trẻ ở hầu hết các vị trí. Dàn cầu thủ được chọn lên tuyển cũng có sự thay đổi nhất định. Một tuyển trẻ Việt Nam đầy sức sống đem quân đi đánh giải và được biết đến. Màn trình diễn của những cá nhân khác tại các giải đấu cấp câu lạc bộ cũng phản ánh rõ sự nỗ lực, kỹ năng và tinh thần của các vận động viên.
Ở vị trí thuyền trưởng, các chuyên gia nước ngoài như sự bổ sung thời vụ khi Liên đoàn Bóng chuyền cảm thấy các huấn luyện viên Việt Nam không đáp ứng được yêu cầu thành tích. Tuy nhiên, những cái tên được chọn mặt gửi vàng như Phạm Văn Long, Nguyễn Văn Hùng hiện nay, hay Lương Khương Thượng, Thái Thanh Tùng trước đây đều là những huấn luyện viên hàng đầu của bóng chuyền Việt Nam.
Người tài không thiếu ở bất cứ giai đoạn nào, thế nhưng vẫn cứ lẩn quẩn...
Còn đó những trăn trở
Những gì diễn ra tại kỳ đại hội Liên đoàn Bóng chuyền hồi giữa năm như thủ tục bàn giao những chiếc ghế, định hướng trên giấy tờ và những hứa hẹn gió bay. Việc không cử đội tham dự ASIAD 17 ở Incheon (Hàn Quốc) vào tháng 9 sắp tới như giọt nước tràn ly.
Tổng Thư ký Trần Đức Phấn cho rằng việc này là làm theo chỉ đạo về thực hiện tiết kiệm trong tập huấn, thi đấu ở nước ngoài. “Tình hình kinh tế năm 2014 như thế nào thì ai cũng có thể thấy, chúng ta không thể đầu tư dàn trải. Chỉ riêng môn bóng chuyền nếu dự giải thì sẽ phải cử đi khoảng 40 người, trong khi trình độ của chúng ta không thể cạnh tranh được với các nước khác” - ông lý giải và cho biết thêm rằng đội nữ đang trong giai đoạn trẻ hóa, nếu cố gắng tham dự cũng rất khó khăn về mọi mặt, thậm chí có thể dẫn đến những hệ lụy tiêu cực về sau.
Quyết định ấy, với lý giải gì, cũng kéo theo làn sóng phản đối từ dư luận. Đó cũng là điều dễ hiểu khi chính Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam từng khẳng định chắc nịch về một suất có mặt tại Đại hội thể thao mang tầm châu lục này.
Như một con tàu khao khát chinh phục biển lớn, vượt qua sóng dữ, bóng chuyền Việt Nam cần đổi mới hình ảnh và cái nhìn của những ai mặc định chúng ta mãi là “á quân Đông Nam Á”. Nhưng con tàu đó đi sao được khi người lái tàu không chịu nhổ neo?
Trân Trần (Vnexpress)