Chỉ trong vòng 4 tháng, làng bóng đá Việt Nam đã 2 lần "rung lắc" vì những vụ dàn xếp tỷ số, bán độ của hai nhóm cầu thủ đang thi đấu cho các đội bóng tại Giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia V-League. Việc 15 cầu thủ (9 của Câu lạc bộ - CLB - V. Ninh Bình và 6 của Đồng Nai) "nhúng chàm", cho thấy "bệnh" của bóng đá Việt Nam còn rất nặng.
Chỉ trong vòng 4 tháng, làng bóng đá Việt Nam đã 2 lần “rung lắc” vì những vụ dàn xếp tỷ số, bán độ của hai nhóm cầu thủ đang thi đấu cho các đội bóng tại Giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia V-League. Việc 15 cầu thủ (9 của Câu lạc bộ - CLB - V. Ninh Bình và 6 của Đồng Nai) “nhúng chàm”, cho thấy “bệnh” của bóng đá Việt Nam còn rất nặng.
Nhiều người có thể sửng sốt trước thông tin về vụ dàn xếp tỷ số ở CLB V.Ninh Bình và mới vài ngày trước là ở CLB Đồng Nai. Nhưng, với những người đã “ăn dầm ở dề” ở các CLB bóng đá thì điều đó không hẳn là chuyện lạ, bất quá như chuyện cái kim trong bọc lâu ngày rồi cũng phải lộ ra.
Bán độ như căn bệnh ung thư đã đến hồi di căn của bóng đá Việt Nam, cắt khối này lại lộ ra khối khác. Cách đây hơn chục năm, làng bóng đá thường râm ran trước những dấu hiệu bất thường trong các trận đấu ở giải trong nước. Khi đó, người ta không chỉ nói đến việc dàn xếp tỷ số giữa lãnh đạo các CLB nhằm cứu nhau khỏi phải xuống hạng, mà còn đề cập đến những nhóm cầu thủ cả gan qua mặt lãnh đội để “chủ động làm ăn”. Năm 1997, việc một nhóm cầu thủ của đội Hải Quan dính vào đường dây cá độ bóng đá chứng thực cho những đồn đoán kia không phải là vô cớ. Rồi sau đó ít năm là vụ việc “tày trời” xảy ra ở Bacolod (Philippines) khi một nhóm cầu thủ đội tuyển U23 Việt Nam “làm kèo” với dân cá độ. Cả hai vụ việc nói trên đã khiến không ít cầu thủ phải ra trước vành móng ngựa, tưởng đã là bài học khiến đồng nghiệp của họ thấy được trách nhiệm với bản thân, với đội bóng và khán giả mà không “làm bậy” nữa. Nhưng, thực tế là sau đó làng bóng đá Việt Nam tiếp tục trải qua hết nghi án này đến nghi án khác.
Đồng Nai (áo màu đỏ) có tới 6 cầu thủ tham gia dàn xếp tỷ số. |
4 tháng trước, vụ bán độ tại sân chơi AFC Cup của 9 cầu thủ The Vissai Ninh Bình bị phanh phui và đã có tin rằng, nhóm trên có thể còn liên quan đến những nghi án dàn xếp tỷ số tại giải vô địch quốc gia. Sau vụ này, Liên đoàn Bóng đá (LĐBĐ) Việt Nam cùng cơ quan điều tra của Bộ Công an đã để ý nhiều hơn đến các đội bóng đang thi đấu tại V-League cũng như hành tung của giới tổ chức cá độ. Quá trình điều tra nghiêm túc đã cho kết quả: Chỉ một giờ sau khi trận đấu giữa Than Quảng Ninh và Đồng Nai kết thúc, nhóm cầu thủ Đồng Nai đã bị tạm giam với đầy đủ bằng chứng, trong đó có khoản tiền được cho là tiền thắng “độ”.
Nhìn vào vụ việc liên quan đến nhóm cầu thủ hư hỏng của CLB The Vissai Ninh Bình và Đồng Nai, cũng như xét trên thực tế là nạn cá độ bóng đá đang diễn ra hết sức phức tạp, người ta có lý do để đặt câu hỏi về “tảng băng chìm” về cá độ trong giới cầu thủ. Điều gì sẽ xảy ra nếu trong những ngày tới đây có thêm cầu thủ vướng vòng lao lý vì cá độ, sau khi cơ quan công an đã ra tuyên bố mở rộng điều tra vụ dàn xếp tỷ số của nhóm cầu thủ Đồng Nai? Liệu LĐBĐ Việt Nam có đủ quyết tâm dẹp cá độ đến cùng, bất kể hậu quả có thể là “vỡ giải” hoặc có thêm CLB không còn đủ người để tham gia V-League?
Cách đây vài ngày, sau khi cơ quan công an đưa ra kết luận ban đầu về vụ dàn xếp tỷ số của nhóm cầu thủ Đồng Nai, Chủ tịch LĐBĐ Việt Nam Lê Hùng Dũng tuyên bố rằng LĐBĐ Việt Nam muốn làm đến cùng trong vụ việc này và sẽ tích cực phối hợp với cơ quan điều tra để mở rộng vụ án. LĐBĐ Việt Nam không sợ vỡ giải vô địch bóng đá chuyên nghiệp quốc gia nếu chẳng may có thêm nhiều cầu thủ khác bị bắt giam. Đó là câu trả lời được người hâm mộ bóng đá đồng tình, vấn đề chỉ là quyết tâm của LĐBĐ Việt Nam sẽ được cụ thể hóa bằng hành động như thế nào, duy trì được trong bao lâu và hiệu quả ra sao.
Bóng đá Việt Nam đang từ từ chạm đáy, xét trên nhiều phương diện (lòng tin của người hâm mộ, đạo đức cầu thủ, môi trường bóng đá…). Có lẽ, trong bối cảnh ấy, chúng ta cần sẵn sàng tâm thế cho những giải pháp cứng rắn hơn nữa dù có thể điều đó dẫn đến hậu quả là phải “xóa đi, làm lại từ đầu”. Đơn giản là đã “ung thư” thì không thể dùng liệu pháp hời hợt.
Thùy An (HNM)