Cả tuần nay, nổi cộm trên khắp các mặt báo là vụ dàn xếp tỉ số ở V-League. Một lần nữa câu chuyện về căn bệnh trầm kha, ung nhọt của bóng đá Việt lại được đào xới. Một lần nữa người ta lại nói về cái niềm tin có lẽ đã cạn tới đáy của người hâm mộ sau mỗi lần dấy lên nghi án bán độ.
Cả tuần nay, nổi cộm trên khắp các mặt báo là vụ dàn xếp tỉ số ở V-League. Một lần nữa câu chuyện về căn bệnh trầm kha, ung nhọt của bóng đá Việt lại được đào xới. Một lần nữa người ta lại nói về cái niềm tin có lẽ đã cạn tới đáy của người hâm mộ sau mỗi lần dấy lên nghi án bán độ.
Lại nhớ cái thời cách đây gần 20 năm với tình yêu bóng đá Việt. Yêu mới có chuyện thích nhiều đội bóng cùng một lúc, chẳng hạn như Thể Công hay Công an Hà Nội, Công an TP. Hồ Chí Minh một thời. Yêu cái cách ăn mừng theo kiểu nhà binh của danh thủ Hồng Sơn sau mỗi lần ghi bàn. Hay háo hức nhìn thấy tận mắt tuyển thủ Lê Huỳnh Đức ở một quán nước ven đường đối diện Nhà thi đấu Phan Chu Trinh sau lúc tan trường về khi đội bóng Công an TP. Hồ Chí Minh ngày đó đến Nha Trang thi đấu. Thậm chí cả lần đội trưởng đội bóng Công an Hà Nội Lã Xuân Thắng dính vào nghi án dàn xếp tỉ số cũng được độ lượng bỏ qua và tiếp tục cổ vũ cho đội bóng thủ đô… Có lẽ khi ấy, niềm tin trong mình vẫn còn tràn đầy, còn trong trẻo đối với một bộ môn mang tính chất giải trí, thỏa niềm đam mê là thể thao.
Chỉ tiếc lòng tin ấy đã bị ném đi một cách phung phí sau bao năm!
Kể từ khi bóng đá Việt Nam theo con đường chuyên nghiệp, tình yêu với trái bóng vẫn hừng hực, nhưng với bóng đá Việt thì bào mòn dần. V-League và những mặt trái của nó như thể thời gian bào mòn đi tất thảy. Sự khuấy đảo của các ông bầu, sự đi xuống của chất lượng giải đấu, mà tỉ lệ thuận theo đó là sự đi xuống của đạo đức cầu thủ cả trong lẫn ngoài sân cỏ. Rồi vấn nạn trọng tài, bạo lực sân cỏ và đỉnh điểm là nạn bán độ, từ giải trong nước đến đấu trường châu lục, từ những Văn Quyến, Quốc Vượng, Văn Quyết, vài tháng trước là các cầu thủ của đội V.Ninh Bình và mới nhất là 6 cầu thủ đội Đồng Nai… Những thứ ấy đã, đang và sẽ dần giết chết một nền bóng đá, giết chết tình yêu của những trái tim vốn đam mê với trái bóng.
Có thật tất cả chỉ vì cuộc sống túng thiếu khi trước mắt bỗng hiển hiện lên hình ảnh không ít cầu thủ bóng đá xây nhà lầu, đi xe hơi bằng nghiệp sân cỏ? Có thật chuyện dàn xếp tỷ số là thứ bệnh dịch của bóng đá Việt Nam, một câu chuyện cũ rích ở xứ mình như báo giới quốc tế mô tả?
Chỉ thấy đắng cho những mái đầu mẹ cha phải đứng tiếng xin lỗi thay con như báo chí đăng tải. Đắng cho fan hâm mộ, cho những người làm bóng đá Việt trước một thứ dịch bệnh như mô tả của báo giới nước ngoài.
Và đắng cho một thực tế bẽ bàng rằng, cho dù ông Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng có nói quyết tâm đến mấy cũng khó mà vực dậy được những niềm tin đã cạn. Bởi, như ông nói khi lên nhậm chức, bóng đá Việt Nam dù chạm đến đáy về chất lượng vẫn có thể gượng dậy vươn lên. Nhưng, một khi đạo đức của các cầu thủ đã chạm tới đáy thì chẳng còn gì để nói, mà cách tốt nhất là xóa đi tất cả để bắt đầu lại. Một nền bóng đá sẽ không thể trong sạch và chất lượng nếu những người cấu thành các giải bóng đá không trong sạch.
Thế nên cũng đừng hỏi tại sao bóng đá Việt chỉ toàn để lại hình ảnh xấu trong mắt cộng đồng quốc tế. Và cũng đừng hỏi lý do vì sao rất nhiều fan hâm mộ đã lâu không còn xem giải bóng đá quốc gia, không còn thiết tha với bóng đá Việt.
B.T