Mùa giải 2014 đánh dấu cột mốc tròn 10 năm giải đấu cao nhất của làng bóng chuyền Việt Nam đổi tên thành giải vô địch quốc gia. Quãng thời gian ấy không ngắn nhưng mới chỉ được tính là khởi đầu cho sự phát triển một nền bóng chuyền, mà trong đó vẫn cần thay đổi nhiều điều để tốt hơn...
Mùa giải 2014 đánh dấu cột mốc tròn 10 năm giải đấu cao nhất của làng bóng chuyền Việt Nam đổi tên thành giải vô địch quốc gia (VĐQG). Quãng thời gian ấy không ngắn nhưng mới chỉ được tính là khởi đầu cho sự phát triển một nền bóng chuyền, mà trong đó vẫn cần thay đổi nhiều điều để tốt hơn...
1 vòng - nên hay không?
Ở năm thứ 10, điều đặc biệt nhất là giải VĐQG chỉ tổ chức 1 vòng thay vì 2 lượt đi - về như trước kia. Ai cũng hiểu, việc thay đổi trên là bất đắc dĩ vì vướng phải Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc lần thứ 7. Nếu không gấp gáp thời gian, giải VĐQG năm nay hẳn vẫn có 2 vòng. Việc tổ chức 1 vòng đấu đồng nghĩa mỗi đội có tối đa 5 trận ở vòng bảng thay vì 10 trận như trước kia.
Vì thế, bất kỳ câu lạc bộ nào sơ sảy là có thể từ vị trí cao rơi xuống luôn nhóm “đèn đỏ”. Đội nam Maseco TP. Hồ Chí Minh năm nay là minh chứng. Đã có nhiều ý kiến của người làm bóng chuyền, nhà quản lý bàn thảo về việc nên hay không nên tổ chức 2 lượt ở các lần hội thảo. Xét cho cùng, trong thời buổi thành tích vẫn phải đặt lên trên hết, thì chưa một ý kiến nào nói không với quyết định bỏ luật đấu 2 lượt. Dù thực tế, tổ chức 2 lượt đấu khá tốn thời gian. Năm nay, toàn giải chỉ gói gọn từ ngày 7 tới 23-7 nên rất nhiều đơn vị thấy thoải mái do bớt khâu di chuyển nhiều như mọi năm. Dù sao, mọi sự thay đổi có thể vẫn còn phải chờ ở những mùa giải tiếp theo.
Mười năm xưa đứng bên bờ dậu...
10 năm hình thành và phát triển, giải VĐQG đã có 2 nét mới nổi bật. Một là sự ra đời của quy định chuyển nhượng vận động viên (VĐV). Điều còn lại là việc cho phép các đội bóng thuê - mượn cầu thủ ngoại về thi đấu. Sự ra đời của quy định cho phép các đội bóng được chuyển nhượng VĐV là điều phù hợp với phát triển của bóng chuyền chuyên nghiệp, mặc dù nền bóng chuyền của chúng ta mới chỉ chạm tới mức… bán chuyên nghiệp. Quy định chuyển nhượng đã có nhưng vẫn chưa thể giải quyết được nhiều sự vụ rắc rối, tranh chấp VĐV. Điển hình nhất là 2 trường hợp Nguyễn Hữu Hà bị cấm thi đấu giai đoạn 2010 - 2011 (vì muốn rời Tràng An Ninh Bình), rồi Nguyễn Văn Hạnh thua kiện trước Tràng An Ninh Bình khi muốn tới đầu quân cho Đức Long Gia Lai…
Câu chuyện thuê VĐV ngoại đã chấm dứt ở giải VĐQG 2013. Quyết định mang ý nghĩa chính nhằm thúc đẩy các đơn vị đào tạo tốt hơn tuyến trẻ đồng thời tránh những trường hợp “đi đêm” gây cảnh cãi nhau vì các mức lót tay quá lớn từ các đội bóng nhà giàu. Dẫu vậy, việc này mới chỉ giải quyết được phần nào. Do cầu thủ ngoại không có thì cầu thủ nội cứng chuyên môn lại trở thành món hàng hấp dẫn.
Năm 2004 là lần cuối cùng người ta còn thấy thương hiệu Bưu điện Hà Nội. Sau năm đó, đội bóng này đã giải thể. Một tượng đài mất đi để lại bao tiếc nuối. Điều này cũng không khác mấy với những cái tên như Dệt Nam Định, Dệt Thành Công, Thép Việt… Sau mùa giải 2013, câu chuyện còn chua chát hơn khi có đến 3 đội bóng của ngành dầu khí đều… biến mất, gồm nữ Vietsov Petro, Bia SG-TBD (tên cũ là Xây lắp DKTBD) và nam Tập đoàn Dầu khí. Giới chuyên môn đã và đang hiểu rằng, cuộc chơi của các doanh nghiệp đang dần thoái trào.
Nguyễn Đình (SGGP)