11:05, 06/05/2014

V-League qua nửa chặng đường: Chưa được như kỳ vọng

Kết thúc vòng đấu 15, V-League sẽ tạm dừng 2 tuần để dành chỗ cho sân chơi Cúp quốc gia. Giữa khoảng lặng của sân chơi chuyên nghiệp, người ta lại có điều kiện để nhìn nhận một cách sòng phẳng về tất cả những gì đã diễn ra.

Kết thúc vòng đấu 15, V-League sẽ tạm dừng 2 tuần để dành chỗ cho sân chơi Cúp quốc gia. Giữa khoảng lặng của sân chơi chuyên nghiệp, người ta lại có điều kiện để nhìn nhận một cách sòng phẳng về tất cả những gì đã diễn ra. Và, kết luận được đưa ra là cuộc cách mạng ở ghế Trưởng Ban tổ chức giải vẫn chưa được như kỳ vọng.


Dấu ấn mờ nhạt


Đến thời điểm này, người ta vẫn chưa thấy dấu ấn đậm nét mà ông Trưởng giải người Nhật Bản Tanaka Koji tạo ra. Chất lượng chưa được cải thiện và chưa có cuộc cách mạng nào về công tác tổ chức. Tất cả những gì đang diễn ra đều tuân theo cái sườn mà các nhà chuyên môn người Việt đã vạch sẵn từ đầu mùa giải. Điểm sáng duy nhất của ông Tanaka Koji trong quãng thời gian qua chính là những chuyến đi dự khán dày đặc.


Bên cạnh sự kỳ vọng về chuyên môn, dư luận đã tin, với một chuyên gia từng kinh qua những vị trí điều hành của các đội bóng hàng đầu, nguồn tài chính của VPF sẽ tăng lên đáng kể. Thậm chí, người ta đã tin, các doanh nghiệp Nhật Bản thông qua quan hệ cá nhân với ông Tanaka Koji sẽ đổ bộ vào V-League. Khi ấy, Hội đồng bảo trợ bóng đá được khai sinh bởi các ông bầu ở VPF vốn đang có nguy cơ chết yểu sẽ có được sự hỗ trợ mạnh mẽ về tài chính cho các đội bóng. Thế nhưng, chẳng có doanh nghiệp nào của Nhật Bản đồng hành cùng VPF cũng như ông Tanaka Koji. Đối tác quan trọng nhất của VPF vẫn là người cũ Eximbank của ông Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng.

 

Ông Tanaka Koji sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề của V-League cũng như ngay trong lòng VPF.
Ông Tanaka Koji sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề của V-League cũng như ngay trong lòng VPF.


Trưởng giải ngoại vẫn gây tranh cãi


Không có cuộc cách mạng về chuyên môn, chẳng có sự hỗ trợ nào về tài chính cho V-League, chiếc ghế Trưởng giải của ông Tanaka Koji đang bắt đầu lung lay. Thậm chí, nhiều chuyên gia còn cho rằng, nên chăng khi VPF phải trả cho một chuyên gia nước ngoài với mức lương rất cao để rồi chính các thành viên người Việt phải cáng đáng phần lớn công việc? Quan trọng hơn, một mình ông Tanaka Koji không thể mang đến cuộc cách mạng khi mà mọi điều kiện ở V-League vẫn còn rất nghiệp dư.


Cách đây không lâu, thông qua việc Câu lạc bộ An Giang khiếu nại với quyết định vội vàng và thiếu hợp lý của Ban tổ chức giải về việc điều chỉnh thời hạn đăng ký thay thế ngoại binh, ông Tanaka Koji đã cho thấy sự non tay của mình đối với những tình huống khó. Thậm chí, người ta còn cho rằng, chuyên gia này đang trở thành tấm bình phong cho những thế lực đứng trong hậu trường thao túng cuộc chơi. Bởi lẽ, nếu là một chuyên gia cứng, ông Tanaka Koji sẽ không ký một văn bản có thể khiến một đội bóng đang ở tận cùng khủng hoảng cảm thấy bị đối xử bất công. Cũng may cho ông Tanaka Koji là lãnh đạo VFF đã phản ứng cương quyết và rất khôn khéo nên giải đấu không bị vỡ trận. Nhưng, qua việc này, ông Tanaka Koji đã bị mất điểm trước lãnh đạo VFF vốn đang rất sốt ruột với cung cách điều hành của VPF.


Thế mới nói, chuyên nghiệp ở bóng đá Việt Nam không hề đơn giản. Tuy có tiền, có chuyên gia ngoại, nhưng tư duy của những người làm bóng đá không chịu thay đổi thì bóng đá Việt Nam phải rất lâu nữa mới có thể hoàn thành sứ mệnh chuyên nghiệp của mình.


BÌNH GIANG (KTĐT)