"Lựa chọn của bạn đánh giá con người bạn" câu nói này có vẻ đúng với cái tên Nguyễn Tý - một vận động viên, huấn luyện viên ở cả môn thể thao vua và nữ hoàng của Khánh Hòa.
“Lựa chọn của bạn đánh giá con người bạn” câu nói này có vẻ đúng với cái tên Nguyễn Tý - một vận động viên (VĐV), huấn luyện viên (HLV) ở cả môn thể thao vua và nữ hoàng của Khánh Hòa. Dù ở cương vị nào, anh luôn được bạn bè, đồng nghiệp và nhiều thế hệ thể thao Khánh Hòa yêu thương, quý trọng...
Tài năng thể thao
Năm 1984, cậu học trò lớp 9 quê Ninh Hòa vô địch điền kinh cự ly ngắn tại Đại hội Thể dục thể thao (TDTT) cấp huyện. Cũng năm đó, Nguyễn Tý làm liền một mạch từ VĐV cấp trường lên cấp huyện, trở thành đại diện của tỉnh đi thi đấu toàn quốc, rồi đại diện quốc gia đi thi quốc tế tại Tiệp Khắc (cũ).
Năm 1985, Nguyễn Tý chuyển vào Nha Trang học văn hóa và rèn luyện thể thao trong thành phần đội tuyển điền kinh tỉnh. Đó cũng là năm Trường Năng khiếu thể dục thể thao Khánh Hòa mở ra, chỉ một năm sau, anh đã là kiện tướng quốc gia ở 2 cự ly 100m và 200m. Năm 1987, khi vừa bước sang tuổi 20, Nguyễn Tý đã mang về cho thể thao Phú Khánh 3 tấm huy chương vàng Hội khỏe Phù Đổng (HKPĐ) toàn quốc ở các cự ly 100m, 200m và 4x100m, phá 2 kỷ lục của HKPĐ quốc gia. Thời gian này, anh còn được đại diện cho thể thao Việt Nam tham gia các giải điền kinh quốc tế tổ chức tại Đức, Liên Xô, Tiệp Khắc.
Tuy là dân điền kinh nhưng Nguyễn Tý không từ bỏ đam mê đá bóng. Năm 1993, VĐV điền kinh Nguyễn Tý trở thành cầu thủ đội Khánh Hòa. Trong 8 năm theo nghiệp quần đùi áo số, bóng đá Khánh Hòa có lúc thăng, lúc trầm, song với thể lực bền bỉ và tốc độ của một VĐV điền kinh cự ly ngắn, Trung vệ Nguyễn Tý có khả năng đeo bám “dai như đỉa” đối với các tiền đạo đối phương. Ngược lại, với nhiều pha dốc bóng rồi bứt phá quá nhanh, hậu vệ này còn gây ra không biết bao nhiêu khó khăn cho các cầu thủ đội bạn mỗi khi tham gia tấn công.
Dù ở cương vị nào, anh Nguyễn Tý cũng đều tận tâm tận lực với công việc. |
Chuyển sang làm bóng đá trẻ từ năm 2001, nhưng chỉ 2 năm sau, giữa lúc đội bóng Khánh Hòa dồn tất cả lực lượng, quyết tâm lên hạng, cái tên Nguyễn Tý một lần nữa được triệu hồi về làm cầu thủ khi đã bước sang tuổi 37. Đó cũng là thời điểm đội bóng Khánh Hòa 2 năm lên 2 hạng, từ hạng nhì lên hạng nhất rồi lên hạng chuyên nghiệp vào năm 2004.
Sau thành tích thăng hạng, Nguyễn Tý trở về tiếp tục làm HLV khi bóng đá Khánh Hòa có sự chung tay của Khatoco. Với nhiều vai trò khác nhau, lúc là đội trẻ, lúc là HLV các tuyến trẻ (U.19, U.21) và có lúc là trợ lý HLV đội tuyển Khatoco Khánh Hòa. Dù ở cương vị nào, Nguyễn Tý cũng được bạn bè, đồng nghiệp yêu thương, quý trọng ở đức tính hiền lành, thẳng thắn, luôn cháy hết mình với công việc.
Gắn bó với quê hương
Trong hành trình gắn bó với thể thao, Nguyễn Tý đã không ít lần đứng trước những lựa chọn gian khó. Và quyết định cuối cùng của HLV U.15 Khánh Hòa này là minh chứng thuyết phục nhất cho tình cảm, đạo đức của chính anh.
Trong lần được sang Đức thi đấu vào những năm 80 của thập kỷ trước, một người bạn đã “chèo kéo” anh ở lại đất nước này và đảm bảo cho Nguyễn Tý có được một tương lai sáng ngời. Nhưng Nguyễn Tý lại lắc đầu và lý giải: “Mình ở lại là phụ công thầy cô dạy bảo, tin tưởng. Trước khi ra đi, cô Nguyễn Thị Bạch Kim (lúc đó là HLV tổ điền kinh) và ông Võ Hòa, Chủ tịch UBND tỉnh đã dặn dò rằng: Đừng làm điều gì mang tiếng với địa phương, với thể thao tỉnh nhà”.
Thêm một lựa chọn gian khó nữa dành cho Nguyễn Tý lúc từ điền kinh chuyển sang đá bóng. Khi ấy ngay cả người yêu Nguyễn Tý - chị Hoàng Thị Huyền Nga (hiện là HLV điền kinh Khánh Hòa) cũng phản đối quyết liệt với “chủ trương”: Đá bóng thì không yêu đương gì nữa! Nhưng rồi, đam mê thuở nhỏ đã thôi thúc anh không quản ngày đêm luyện tập bóng đá và đã giành được vị trí chính thức trong đội hình chỉ sau một năm.
Năm 2012, khi thế cuộc xoay vần, cái tên đội bóng Khatoco Khánh Hòa biến mất khỏi bóng đá Việt Nam, lúc này, HLV Nguyễn Tý có 2 lựa chọn, một là tiếp tục làm phó tướng cho HLV Hoàng Anh Tuấn tại Hải Phòng (có mức lương 40 triệu đồng/tháng, chưa kể các khoản thưởng). Hai là, ở lại Khánh Hòa với vai trò là HLV đội trẻ (có tổng thu nhập chỉ bằng 1/8 con số kể trên). Vậy nhưng, Nguyễn Tý đã chọn con đường ở lại với quan điểm: “Tuy thu nhập có bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhưng bù lại tôi được gắn bó với quê hương, bạn bè và gia đình”.
Thay cho lời kết, xin được gói gọn trong đánh giá của ông Trần Quang Thường, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện thể thao Khánh Hòa: “32 năm gắn bó với thể thao, điều đáng quý ở Nguyễn Tý là đạo đức nghề nghiệp và hết lòng vì công việc”.
C.Đ