11:04, 15/04/2014

Bộ môn quần vợt: Nỗi niềm trăn trở

Ngày trước, toàn tỉnh chỉ có 3 sân quần vợt với số lượng người chơi đếm trên đầu ngón tay, nhưng quần vợt nữ Khánh Hòa vô địch 17 năm liền. Còn bây giờ, sân bãi tập luyện không thiếu, số người cầm vợt ra sân đông nhưng lại không có thành tích.

Ngày trước, toàn tỉnh chỉ có 3 sân quần vợt với số lượng người chơi đếm trên đầu ngón tay, nhưng quần vợt nữ Khánh Hòa vô địch 17 năm liền. Còn bây giờ, sân bãi tập luyện không thiếu, số người cầm vợt ra sân đông nhưng lại không có thành tích. Đó là nhìn nhận của ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch khi đề cập đến bộ môn quần vợt.


Theo ông Hòa, nếu cứ bao cấp hoạt động thể thao như thế này, quần vợt Khánh Hòa sẽ rất khó cạnh tranh ở các giải trong nước chứ chưa nói gì đến việc trở lại thời hoàng kim. Cùng với sự phát triển thể thao phong trào của tỉnh, bộ môn quần vợt có đầy đủ những điều kiện cần như: sân bãi, số người tham gia tập luyện... nhưng lại thiếu điều kiện đủ để đạt được thành tích cao ở các giải đấu trong nước. “Nếu không có doanh nghiệp đầu tư cho thể thao, vẫn duy trì theo kiểu bao cấp như ở môn quần vợt thì sẽ rất khó làm thể thao đỉnh cao”, ông Hòa nói.   

 

Các vận động viên thi đấu tại một giải phong trào cấp tỉnh.
Các vận động viên thi đấu tại một giải phong trào cấp tỉnh.

   
Cách đây hơn 20 năm, thời quần vợt nữ Khánh Hòa 17 năm vô địch quốc gia gắn liền với tên tuổi của các VĐV như: Kim Trang, Kim Lợi, Phương Hạnh... Nhưng sau lứa VĐV ấy, quần vợt Khánh Hòa đã không còn gương mặt nào thực sự xuất sắc, mặc dù bộ môn này luôn chú trọng đầu tư lực lượng trẻ. Có 2 nguyên nhân để lý giải cho sự sa sút ấy: Thứ nhất, do trước đây các VĐV đến với thể thao bằng tất cả sự đam mê. Họ không ngại vượt qua khó khăn để giành được thành tích cao nhất trong thi đấu. Còn bây giờ, cùng với sự phát triển về kinh tế, các điều kiện tập luyện dư thừa thì hầu hết VĐV, đặc biệt là những người có năng khiếu đều tập trung vào việc học văn hóa, coi sự nghiệp thể thao chỉ là nghề tay trái. Thứ hai, hiện nay, để làm thể thao đỉnh cao, bên cạnh nguồn lực VĐV, cần có nguồn lực kinh tế, đặc biệt là sự hỗ trợ, đầu tư của doanh nghiệp. Song làm sao để thu hút được doanh nghiệp đầu tư cho môn quần vợt của tỉnh lại là một bài toán khó. Ngành Thể thao Khánh Hòa vẫn chưa tìm ra hướng giải quyết.


Thực tế cho thấy, từ năm 2006 đến nay, đội tuyển quần vợt tỉnh không có VĐV nào thực sự nổi bật. Lực lượng chỉ tham gia các giải trẻ (lứa tuổi từ 11 đến 18), cấp câu lạc bộ khu vực, miền mà thành tích đạt được không đáng kể. Tuy hàng năm, ngành Thể thao của tỉnh cũng đã tổ chức từ 2 đến 3 giải thể thao phong trào cấp tỉnh, câu lạc bộ như: giải quần vợt mở rộng cúp Mê Trang, giải quần vợt mở rộng cấp các câu lạc bộ tỉnh..., nhưng hiệu quả mang lại không cao. Điều đó lý giải cho việc tại sao cách đây 1 năm, quần vợt Khánh Hòa đứng trước nguy cơ bị xóa sổ khỏi hệ thống các môn thể thao của tỉnh. Lý do giải tán môn quần vợt được những người làm chuyên môn đưa ra không gì khác là hoạt động của đội tuyển tỉnh không còn hiệu quả, nhiều năm liền thi đấu không có thành tích. Nếu giải tán, nguồn kinh phí đầu tư cho quần vợt sẽ được chuyển sang cho các môn thể thao khác, còn quần vợt chỉ phát triển theo hướng phong trào.


Qua các cuộc họp giữa Trung tâm Huấn luyện thể thao tỉnh và lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã thống nhất vẫn giữ lại bộ môn quần vợt, nhưng nó không còn được coi là môn thể thao thế mạnh mà chỉ tồn tại theo kiểu duy trì. Được biết, hiện nay, đội tuyển quần vợt tỉnh vẫn đang duy trì hoạt động tập luyện, thi đấu tại Trung tâm Huấn luyện. Tuy nhiên, biên chế về số lượng huấn luyện viên, VĐV của đội đã giảm đi một nửa (trước đây có 2 huấn luyện viên, 9 VĐV, bây giờ chỉ còn 5, 6 người).


Có thể thấy, với cách duy trì quần vợt đỉnh cao như hiện nay, ngành chức năng vẫn còn nhiều việc phải làm.


AN NHIÊN