Là mảnh đất có nhiều điều kiện để phát triển thể thao, lại được đầu tư cơ sở vật chất khá bài bản, câu chuyện thể thao ở huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) đang tràn đầy sắc màu tươi vui, phát triển. Nhưng đâu đó vẫn còn nỗi âu lo về những chỉ tiêu được giao chưa thực sự sâu sát với nguồn kinh phí dành cho thể thao nơi đây.
Là mảnh đất có nhiều điều kiện để phát triển thể thao, lại được đầu tư cơ sở vật chất khá bài bản, câu chuyện thể thao ở huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) đang tràn đầy sắc màu tươi vui, phát triển. Nhưng đâu đó vẫn còn nỗi âu lo về những chỉ tiêu được giao chưa thực sự sâu sát với nguồn kinh phí dành cho thể thao nơi đây.
Những điều kiện tuyệt vời
Ông Đỗ Văn Năm - Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thể thao (VHTT) huyện Diên Khánh, người đã gắn bó với thể thao nơi đây ngót 30 năm qua, cho biết: “Diên Khánh có hệ thống cơ sở vật chất tốt so với các huyện khác. Ở đây có 1 sân vận động (SVĐ) đạt tiêu chuẩn, trồng cỏ theo đúng quy cách, có mái che và sức chứa khán đài là 3.000 người. Đây là SVĐ cấp huyện duy nhất của tỉnh đạt các yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật và là nơi để tổ chức các sự kiện văn hóa, xã hội lớn của huyện”.
Toàn huyện hiện có 4 sân cỏ nhân tạo, trong đó có 2 sân tư nhân và 2 sân là sự phối hợp giữa Nhà nước giao đất, doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, sau một khoảng thời gian khai thác sẽ giao lại cho Trung tâm VHTT Diên Khánh quản lý. Đây là 2 trong số những sân cỏ nhân tạo ban đầu trong tỉnh hoạt động theo đúng tinh thần xã hội hóa thể thao. Bên cạnh đó, huyện còn có 1 sân tennis (hoạt động từ năm 2002 đến nay) có mái che đầu tiên của tỉnh, đạt tiêu chuẩn về mặt sân, đèn chiếu sáng, khán đài... Ngoài ra, Diên Khánh còn có 2 sân cầu lông có mái che được trang bị hệ thống chiếu sáng tốt. Toàn bộ 19 xã, thị trấn đều có từ 2 đến 4 sân cầu lông đáp ứng tốt nhu cầu rèn luyện sức khỏe của người dân.
Được đầu tư cơ sở vật chất khá tốt nhưng thể thao Diên Khánh vẫn còn những khó khăn. |
Cơ sở vật chất khá tốt, cộng với phong trào tập luyện thể dục thể thao mạnh, đặc biệt ở các môn như đi bộ, chạy bộ nên trong năm vừa qua, Diên Khánh có 47.000 người thường xuyên luyện tập thể thao (vượt con số 45.000 người theo chỉ tiêu đặt ra). Còn trước đó, năm 2012 được coi là năm bản lề của Đại hội Thể dục thể thao toàn tỉnh, các vận động viên đến từ Diên Khánh đã xuất sắc mang về cho mảnh đất từng là cái nôi của môn điền kinh này vị trí nhất toàn đoàn, được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tặng cờ thi đua xuất sắc.
Khó khăn từ chỉ tiêu cao
Theo chỉ tiêu được UBND huyện Diên Khánh giao, trong năm 2014, Trung tâm VHTT huyện phải tổ chức 10 giải đấu thể thao cấp huyện và tham gia thi đấu 7 giải tỉnh. Trong khi số tiền chi hoạt động sự nghiệp thể thao chỉ vỏn vẹn 8,1 triệu đồng. Cộng với việc đơn vị này phải thu cho đủ 70 triệu đồng nữa từ nguồn thu gọi là sự nghiệp thể thao (được tính từ việc cho thuê sân bãi, cơ sở hạ tầng...) để hoàn tất tổng số tiền chi cho việc tổ chức, tham gia 17 giải đấu kể trên là 78,1 triệu đồng. Trong khi theo tính toán của Trung tâm, mỗi năm tận thu tối đa cũng chỉ được từ 40 - 50 triệu đồng.
Ngay cả khi có đủ số tiền trên (gần 80 triệu đồng) thì việc hoàn thành chỉ tiêu tổ chức và tham gia tất cả các giải cũng là việc làm khó. Chẳng hạn, để tham gia giải bóng đá vô địch tỉnh, đội tuyển huyện được thành lập với khoảng 20 cầu thủ và huấn luyện viên hưởng chế độ tập huấn 30.000 đồng/người/ngày, tập huấn chỉ 10 ngày cũng đã mất 6 triệu đồng. Cộng thêm chế độ thi đấu 50.000 đồng/người/ngày và thi đấu trong khoảng 10 ngày, Trung tâm phải bỏ ra 10 triệu đồng, tổng cộng đã mất 16 triệu đồng cho đội bóng tham gia 1 giải đấu cấp tỉnh. Còn khi tham gia giải điền kinh tỉnh (giải vô địch và giải trẻ), nếu thành lập đội tuyển với 8 vận động viên, tập huấn chừng 10 ngày thì số tiền phải bỏ ra cho mỗi giải này cũng trên dưới 10 triệu đồng. Trong khi đó, để tổ chức một giải đấu cấp huyện, nếu tiết kiệm lắm cũng mất từ 5 đến 10 triệu đồng cho mỗi giải (tùy môn thi đấu).
Rõ ràng, với nguồn kinh phí hạn hẹp kể trên, để hoàn thành nhiệm vụ tổ chức và tham gia 17 giải đấu thể thao trong năm 2014 là một chỉ tiêu quá tầm. Nhưng chưa hết, đó mới là chỉ tiêu UBND huyện giao, còn chỉ tiêu mà Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh giao cho Trung tâm VHTT Diên Khánh còn nặng nề hơn. Đó là trong năm 2014, tổ chức 13 giải đấu cấp huyện và tham gia 10 giải đấu cấp tỉnh. Một chỉ tiêu chưa thực sự sâu sát với nguồn kinh phí dành cho thể thao nơi đây.
Phong trào thể dục thể thao của Diên Khánh đang ngày càng vươn lên vững mạnh. Ngoại trừ Nha Trang nhỉnh hơn so với tất cả các địa phương khác, Diên Khánh luôn là địa phương tranh chấp vị trí thứ 2 với Ninh Hòa trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, để duy trì và từng bước nâng cao số lượng, chất lượng thể thao nơi đây, ngoài sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, thể thao Diên Khánh cũng cần có sự năng động, tìm kiếm nguồn kinh phí cho các hoạt động của mình từ các mạnh thường quân theo tinh thần xã hội hóa thể thao.
C.Đ