Đánh giá đúng thực trạng, đồng thời đề ra những giải pháp, mục tiêu cụ thể cho sự phát triển của thể thao học đường… là chỉ đạo của ông Lê Xuân Thân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đối với việc xây dựng kế hoạch phát triển thể thao học đường cho các cấp học từ nay đến năm 2020.
Đánh giá đúng thực trạng, đồng thời đề ra những giải pháp, mục tiêu cụ thể cho sự phát triển của thể thao học đường (TTHĐ)… là chỉ đạo của ông Lê Xuân Thân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đối với việc xây dựng kế hoạch phát triển TTHĐ cho các cấp học từ nay đến năm 2020.
Trong định hướng phát triển ngành Thể thao tỉnh, việc đẩy mạnh thể dục thể thao (TDTT) quần chúng, phong trào TTHĐ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được các cấp chính quyền, sở ngành quan tâm. Tuy nhiên, do chưa xây dựng kế hoạch chi tiết, thiếu sự phối hợp giữa các cấp, ngành, địa phương nên dù đạt được một số kết quả, việc triển khai công tác phát triển TTHĐ vẫn còn lúng túng và tồn tại nhiều hạn chế.
Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, đến nay toàn tỉnh có 780 giáo viên thể dục của các trường phổ thông, trong đó có 764 giáo viên chuyên trách và 16 giáo viên kiêm nhiệm (1 người đạt trình độ thạc sĩ, 775 người trình độ cử nhân và 4 người trình độ trung cấp). Các trường thực hiện đầy đủ chương trình TDTT trường học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hơn 200.000 học sinh đạt tiêu chuẩn thể lực theo yêu cầu, đạt tỉ lệ 99,41%. Về cơ sở vật chất phục vụ công tác dạy, học môn Thể dục, hiện trong hệ thống trường phổ thông toàn tỉnh có 19 nhà thi đấu đa năng, hơn 30 công trình thể thao ngoài trời thuộc các môn điền kinh, bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ… với bình quân diện tích đất phục vụ thể thao cho mỗi học sinh là 4,02m2. Hiện hầu hết các trường đều tổ chức thành lập các câu lạc bộ võ thuật như: Taekwondo, vovinam… thu hút đông đảo học sinh tham gia tập luyện. Những số liệu trên cho thấy, về cơ bản, TTHĐ đáp ứng được nhu cầu dạy và học giáo dục thể chất cho học sinh theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Cần tổ chức nhiều sân chơi cho lứa tuổi học sinh, qua đó thúc đẩy sự phát triển phong trào thể thao trong trường học. |
Trong cuộc họp mới đây với ngành Giáo dục, Thể thao về việc xây dựng kế hoạch phát triển TTHĐ tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020, ông Lê Xuân Thân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cần đánh giá đúng thực trạng TTHĐ (các vấn đề về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động dạy, học môn giáo dục thể chất trong trường học, hoạt động thể thao ngoại khóa, đầu ra cho học sinh…). Cần nêu chi tiết mục tiêu, nhiệm vụ, định hướng phát triển của các hoạt động TTHĐ theo lộ trình cụ thể, từ đó tiến tới việc xây dựng kế hoạch thành lập trường năng khiếu thể thao tỉnh vào năm 2016. Có sự phối hợp với ngành Thể thao, các địa phương trong việc đẩy mạnh sự phát triển TTHĐ các cấp học trên địa bàn tỉnh. |
Tuy nhiên, theo ông Phan Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, bên cạnh những kết quả đạt được, TTHĐ còn gặp không ít khó khăn. Các hoạt động giáo dục thể chất, thể thao ngoại khóa trong nhà trường tuy phát triển nhưng chưa đều, chất lượng chưa cao và chưa được coi trọng đúng mức so với các mặt giáo dục khác. Chương trình môn Thể dục chính khóa cũng như hoạt động ngoại khóa còn nghèo nàn, đơn điệu, chưa thật sự hấp dẫn học sinh tham gia. Công tác quản lý về lĩnh vực TDTT của các cấp, trường chưa bắt kịp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Các câu lạc bộ TDTT trường học tuy được hình thành nhưng chưa đi vào nề nếp, các hoạt động tập luyện chỉ mang tính thời vụ, chủ yếu phục vụ cho việc tham gia Hội khỏe Phù Đổng, giải thể thao phong trào các cấp. Công tác quy hoạch, xây dựng và đầu tư cho giáo dục thể chất ở các trường chưa được coi trọng, thiếu quỹ đất dành riêng cho thể thao trường học, các điều kiện cơ sở vật chất và trang thiết bị còn hạn chế. Chế độ đãi ngộ cho giáo viên chuyên trách và vận động viên học sinh còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với tình hình thực tế. Đa số phụ huynh chưa quan tâm đúng mức đến việc chăm sóc sức khỏe cho học sinh. Nhận thức và thói quen tự rèn luyện thân thể, tham gia các hoạt động thể thao ngoại khóa của học sinh còn hạn chế…
Ông Dũng cho rằng, nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém trên chủ yếu một phần là do lãnh đạo các cấp trường chưa nhận thức được tầm quan trọng của công tác giáo dục thể chất và phát triển phong trào thể thao trong trường học. Các trường thiếu sự liên kết, phối hợp với các trung tâm văn hóa, thể thao các huyện, thị xã, thành phố trong việc nâng cao chất lượng các buổi dạy, học giáo dục thể chất, các hoạt động thể thao ngoại khóa.
Trong định hướng chiến lược xây dựng kế hoạch phát triển TTHĐ các cấp từ nay đến năm 2020, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp với các cấp, ngành đánh giá đúng thực trạng thể thao học đường các cấp học, đề ra những mục tiêu, giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng chương trình giáo dục thể chất trong trường học. Bên cạnh đó, phát triển mạnh các hoạt động TDTT của học sinh, sinh viên đảm bảo mục tiêu phát triển thể lực toàn diện và kỹ năng vận động cơ bản của học sinh, góp phần đào tạo năng khiếu và tài năng thể thao của tỉnh.
An Nhiên