Việc đầu tư tốn kém cho hàng trăm chiếc huy chương ở SEA Games là quá lãng phí và thiếu hiệu quả với nhiều bộ môn… lạ hoắc.
Việc đầu tư tốn kém cho hàng trăm chiếc huy chương (HC) ở SEA Games là quá lãng phí và thiếu hiệu quả với nhiều bộ môn… lạ hoắc.
Gần 70% môn thi không có trong chương trình của Olympic
Ở SEA Games 27 sắp diễn ra, có thể dễ dàng đọc ra hàng loạt môn không có trong chương trình thi đấu của Olympic hay Asiad. Đó là đua thuyền truyền thống, Petanque, Pencak Silat, golf, Muay… Thậm chí, Kempo hay Chilone là các môn mà phần đông người hâm mộ chưa thể hình dung nổi các môn này thi đấu như thế nào? Và chính các môn ấy sau SEA Games 27 có khi phải… xếp xó, vì cũng không biết sẽ còn được đưa vào chương trình thi đấu ở các kỳ SEA Games tiếp theo hay không?
Đấy rõ ràng là sự lãng phí quá lớn, biến mỗi kỳ SEA Games cứ thể như “hội làng”, nơi mà mỗi quốc gia đăng cai toàn chọn cách “nhét” một số môn sở trường vốn là thế mạnh của họ vào chương trình thi đấu (SEA Games 26 Indonesia từng đưa môn “đánh phỏm” vào chương trình, SEA Games 22 ở Việt Nam có thêm môn lặn), loại bớt các môn không phải là thế mạnh, bất chấp nhiều môn bị loại là môn nằm trong hệ thống Olympic hẳn hoi. Thể dục dụng cụ hay quần vợt là những ví dụ. Các môn này bị loại ở SEA Games, trong khi đấy lại là các môn truyền thống của phong trào Olympic thế giới.
Thế thì rất khó lấy thành tích thi đấu tại SEA Games 27 nói riêng và các kỳ SEA Games khác nói chung làm thước đo của sự phát triển phong trào thể thao của một quốc gia, cũng như khó lấy đó là thước đo để đánh giá trình độ của các nền thể thao trong khu vực. Bởi, chưa chắc giành thứ hạng cao tại SEA Games đồng nghĩa với việc đủ khả năng được xếp hạng tốt tại Asiad, hay đủ khả năng giành huy chương ở Olympic.
Thể dục dụng cụ là môn cơ bản của Olympic, nhưng lại không có trong chương trình thi đấu của SEA Games 27. |
Ngoài chuyện có thêm những môn thi đấu lạ, Ban tổ chức chủ nhà của SEA Games 27 - Myanmar cũng tranh thủ loại nốt nhiều nội dung vốn không phải là thế mạnh của họ trong môn điền kinh, xe đạp, cho dù điền kinh vốn được mệnh danh là môn thể thao “nữ hoàng”, vốn là môn hấp dẫn nhất ở các kỳ đại hội thể thao cấp thế giới.
“Vùng trũng” càng trũng thêm
Báo chí Thái Lan đã lên tiếng phản đối về sự lãng phí trong việc đầu tư lệch hướng của SEA Games. Việc có quá nhiều môn lạ ở các kỳ đại hội, thi đấu xong rồi bỏ khiến cho khoảng cách về trình độ giữa thể thao các nước Đông Nam Á với phần còn lại của thế giới có nguy cơ mỗi lúc một xa.
Thực tế là một số quốc gia phát triển trong khu vực, điển hình là Singapore đã chủ động cắt bớt số nội dung thi đấu của đoàn thể thao mình ở các kỳ SEA Games. Mục tiêu của thể thao Singapore trong những năm gần đây là tập trung vào các môn thuộc hệ thống thi đấu của Asiad và Olympic, thay vì chạy theo thành tích ở “ao làng” Đông Nam Á.
Sắp tới, tại SEA Games 28 sau 2 năm nữa, Singapore là nước đầu tiên cam kết trong số 30 môn mà họ tổ chức, sẽ có đến 28 môn thuộc phong trào Olympic, nhằm chống lại căn bệnh thành tích bên “ao làng”. Trước đó, Philippines cũng đã mạnh dạn loại những môn không có triển vọng giành HC, kể cả bóng đá nam ra khỏi danh sách đoàn thể thao Philippines dự SEA Games 27, nhằm tiết kiệm chi phí cho ngân sách quốc gia.
Trong khi đó, một thành viên Ủy ban Olympic Thái Lan tỏ ra xót xa với kinh phí mà Thái Lan phải đầu tư để dự SEA Games: “Chúng tôi tiêu tốn không dưới 100 triệu USD cho mục tiêu giành khoảng 100 HC Vàng ở Myanmar. Con số này theo tôi không mang lại nhiều hiệu quả, bởi chỉ có hơn 30% số môn thi đấu của SEA Games 27 có trong chương trình thi đấu của Olympic”.
Với nhiều đoàn thể thao, trong đó có cả đoàn thể thao Việt Nam, họ có thể đoạt cả trăm HC các loại ở mỗi kỳ SEA Games, nhưng hàng trăm HC ấy vẫn không thể đổi được bất cứ chiếc HC nào ở mỗi kỳ Olympic, thì việc đầu tư tốn kém cho hàng trăm chiếc HC ở SEA Games rõ ràng là quá lãng phí và thiếu hiệu quả.
Kim Điền
(Dân Trí)