12:12, 20/12/2013

Điều không nên lẩn tránh

Thế là đội bóng U23 Việt Nam thất bại liên tiếp trong 2 kỳ SEA Games (26 và 27), dừng bước ngay ở vòng loại.

Thế là đội bóng U23 Việt Nam thất bại liên tiếp trong 2 kỳ SEA Games (26 và 27), dừng bước ngay ở vòng loại.


Thất bại ấy, ngoài nguyên nhân không có chiến lược đầu tư lâu dài của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), còn có nguyên nhân trực tiếp là huấn luyện viên (HLV), mà qua kỳ SEA Games 27 chúng ta thấy rất rõ. VFF nên sa thải HLV Hoàng Văn Phúc, chứ không cần phải chờ tới khi ông Phúc xin từ chức. Sa thải cũng là hình thức kỷ luật đối với một HLV không hoàn thành nhiệm vụ. Làm HLV cũng phải biết chấp nhận quy luật nghiệt ngã này!


Ông Phúc nắm cả đội tuyển bóng đá quốc gia và U23 Việt Nam. Qua thực tế cho thấy, dưới quyền ông (chỉ nói về những giải đấu chính thức): đội tuyển quốc gia đá 5 trận thì thua cả 5, thậm chí có trận thua bẽ mặt; còn đội U23 thì 2 thắng 2 thua, thắng 2 đội yếu với 12 bàn thắng. Ghi 7 bàn, 5 bàn cũng không có giá trị gì khi đội tuyển về nước sớm, trong khi đội tuyển Indonesia chỉ ghi 1 bàn vào lưới Myanmar cũng đủ đưa họ vào bán kết. Vấn đề không phải ghi nhiều bàn thắng trước một đội yếu hơn mình mà là “biết địch, biết ta, trăm trận trăm thắng”; thắng mà không phơi bày hết những ý đồ chiến thuật của ta cho đối phương xem để tìm cách đối phó thì mới cao tay.


Như vậy, nó nói lên một điều rằng năng lực huấn luyện của ông Phúc ở mức trung bình trong khi cầu thủ của ta có chất lượng. Năng lực chỉ đạo chiến thuật của ông cũng trung bình. Còn phong cách của nhà cầm quân thì thiếu tính quyết đoán, nhiều khi nặng về tình cảm. Mà trong bóng đá chuyên nghiệp, tiêu chí nhạy bén, đọc trận đấu nhanh để có những quyết đoán chính xác là thước đo hàng đầu về năng lực của người HLV.


Chúng ta không phủi sạch công của ông Phúc đối với đội tuyển bóng đá Việt Nam. Nhưng bóng đá là như vậy, mọi HLV đều phải biết chấp nhận, không kể HLV ngoại hay nội. Tại sao chúng ta cứ sa thải HLV ngoại mà không sa thải HLV nội!...


Nếu ông Phúc bị sa thải vì thành tích nghèo nàn của đội tuyển, đó cũng là hệ quả tất yếu của kiểu làm bóng đá “ăn xổi ở thì”, không hoạch định được chiến lược căn cơ và lâu dài, mà ông là một trong những nạn nhân của kiểu làm này. Mà nếu luận “tội” thì các vị đứng đầu trong VFF cũng phải được đem ra xem xét, ai cần thiết phải “trảm” thì “trảm”.    


Điều không thể lẩn tránh, không thể làm khác được là như vậy.     

   
Nguyễn Công Hài