SEA Games 27 là một đại hội vô cùng đặc biệt. Đặc biệt là bởi, dù đã dự báo sẽ đối diện với nhiều điều cắc cớ, nhất là sự gian lận trong thi đấu, nhưng đoàn thể thao Việt Nam vẫn vượt chỉ tiêu về huy chương......
SEA Games 27 là một đại hội vô cùng đặc biệt. Đặc biệt là bởi, dù đã dự báo sẽ đối diện với nhiều điều cắc cớ, nhất là sự gian lận trong thi đấu, nhưng đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) vẫn vượt chỉ tiêu về huy chương (với 73 Huy chương Vàng, vượt 3 huy chương, đứng thứ 3 trên bảng tổng sắp, sau đoàn Thái Lan và chủ nhà Myanmar).
Thật lạ, đối diện với biết bao tiểu xảo nhưng đoàn TTVN vẫn vượt khó thành công. Có người bảo, đoàn TTVN đã chơi “chiêu” khi đặt chỉ tiêu thấp hơn khả năng thực tế của mình. Có lẽ, chỉ người trong cuộc mới trả lời được thắc mắc này.
Nhưng, chứng kiến những gì đã diễn ra, có người lại quả quyết, lần này, đoàn TTVN may hơn khôn. May là vì, bất chấp việc hàng loạt “mỏ vàng” như điền kinh, bơi lội, canoing, rowing và cả bơi lội không đạt “năng suất” như dự tính ban đầu nhưng TTVN lại đón nhận tin vui từ các “mỏ” khác vốn không được đánh giá cao như vật, bắn súng, bắn cung. Và, ngay cả ở những môn thi được đánh giá là thất bát thì vẫn có những điểm sáng ấn tượng. Nghiệt một nỗi, những người mang vinh quang về cho đoàn TTVN lại không phải là những niềm hy vọng vàng, mà đó chính là những người tham dự SEA Games cho “đủ” đội ngũ.
Nguyễn Thị Kim Hoàng giành Huy chương Vàng vovinam. |
Trong mỗi cuộc thi, Huy chương Vàng là thước đo sự thành bại của mỗi đoàn thể thao. Nhưng, ở góc độ nào đó, nó không phản ánh hết sức mạnh và sự hoàn thiện của mỗi nền thể thao. Đơn cử như trường hợp của đoàn TTVN, chúng ta dành rất nhiều kỳ vọng và tiền bạc cho những gương mặt triển vọng như: Ánh Viên, Quý Phước (bơi lội), Quách Thị Lan, Nguyễn Thị Oanh (điền kinh), Nguyễn Tiến Minh (cầu lông). Nhưng, rút cuộc, người mang về HCV lại là những VĐV không mấy tên tuổi, thậm chí vô danh.
Thế mới nói, công tác chuẩn bị về chuyên môn, tâm lý thi đấu của đoàn TTVN rõ ràng đang gặp vấn đề. Chúng ta không lường hết những khó khăn để rồi thất bại vì không vượt qua được chính mình chứ không phải là đối thủ quá mạnh. Thậm chí, ngay cả việc SEA Games có quá nhiều chuyện chướng tai gai mắt, nhưng thông qua đó, dư luận tự hỏi, vai trò và khả năng đấu tranh của các lãnh đạo đoàn TTVN ở đâu khi mà thua thiệt chỉ thuộc về chúng ta? Nên nhớ rằng, đoàn TTVN đã mang đến Myanmar cả trăm cán bộ để bảo vệ quyền lợi cho mình.
Đằng sau những tấm Huy chương Vàng là biết bao điều đáng để nói, để luận bàn. Và, người ta một lần nữa tự hỏi rằng, nếu TTVN mãi lệ thuộc vào những môn thể thao vốn thi đấu theo phong trào để hoàn thành chỉ tiêu thay vì những nội dung Olympic thì đến bao giờ mới có thể cất cánh, hòa nhập với thể thao thế giới. Thế mới nói, mỗi cuộc thi mang đến một bài học về sự hoàn thiện để nâng tầm nền thể thao. Nhưng, học là một chuyện, còn thuộc bài hay không lại là một chuyện khác.
BÌNH GIANG (KTĐT)