12:11, 16/11/2013

Thể thao Khánh Hòa: Nhiều vấn đề đặt ra

Trong kế hoạch phát triển thể dục thể thao từ nay đến năm 2020, ngành Thể thao Khánh Hòa đã đề ra nhiều mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đề ra, ngành Thể thao nói riêng và các cấp chính quyền trong tỉnh nói chung còn nhiều việc phải làm.

Trong kế hoạch phát triển thể dục thể thao (TDTT) từ nay đến năm 2020, ngành Thể thao Khánh Hòa đã đề ra nhiều mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đề ra, ngành Thể thao nói riêng và các cấp chính quyền trong tỉnh nói chung còn nhiều việc phải làm.

 
Mục tiêu thì nhiều…


Theo định hướng kế hoạch phát triển TDTT tỉnh Khánh Hòa, từ nay đến năm 2020, ngành Thể thao Khánh Hòa sẽ tập trung triển khai một số nhiệm vụ, chỉ tiêu thông qua các giải pháp cụ thể nhằm cải thiện về thành tích. Theo đó, ở phong trào thể thao quần chúng, toàn tỉnh sẽ tập trung phát triển người tập luyện TDTT thường xuyên từ 28% (năm 2012) lên 33% theo tổng số dân; số hộ gia đình được công nhận là gia đình thể thao từ 27% (năm 2012) lên hơn 30%. Các huyện, thị xã, thành phố phấn đấu đều có các công trình thể thao như: Nhà thi đấu thể thao đa năng, sân vận động, hồ bơi cho người dân tập luyện.


Về thể thao thành tích cao, thể thao Khánh Hòa sẽ phấn đấu nằm trong tốp 15 trung tâm TDTT mạnh của cả nước. Các môn thể thao trọng điểm sẽ được đầu tư phát triển theo hướng chuyên nghiệp; mỗi năm đào tạo, bồi dưỡng từ 10 - 15 vận động viên cấp đội tuyển tỉnh được tham gia tập huấn ở đội tuyển quốc gia và thi đấu quốc tế. Đến năm 2015, đào tạo từ 57 - 70 huấn luyện viên các bộ môn và 100% huấn luyện viên phải có trình độ đại học trở lên...


Thực tế cho thấy, những mục tiêu, định hướng của TDTT Khánh Hòa đến năm 2020 hoàn toàn có khả năng thực hiện. Bởi lẽ, phong trào TDTT của tỉnh hiện vẫn đang được duy trì và phát triển một cách ổn định, điển hình như các môn quần vợt, cầu lông, bóng đá. Tuy một số môn thể thao trọng điểm của tỉnh như: điền kinh, bóng bàn, bóng đá chuyên nghiệp đang có dấu hiệu chững lại, thậm chí đi xuống thì một số môn khác như bóng đá phong trào, bóng chuyền trong nhà, bãi biển... vẫn được đánh giá cao.


Không ít khó khăn

 

Khánh Hòa hiện  vẫn chưa có chiến lược  cho các môn thể thao biển.
Khánh Hòa hiện vẫn chưa có chiến lược cho các môn thể thao biển.


Vấn đề đặt ra cho ngành TDTT Khánh Hòa là trong việc đầu tư phát triển TDTT của các cấp, các ngành còn nhiều hạn chế và chưa mang tính đồng bộ. Ông Nguyễn Văn Hòa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho rằng: “TDTT muốn phát triển, đòi hỏi cần có sự chung tay của toàn thể cộng đồng. Trong đó, các cấp chính quyền địa phương phải xem việc đầu tư, nâng cao chất lượng hoạt động thể thao phong trào gắn liền với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Có như vậy, phong trào TDTT mới phát triển một cách ổn định và bền vững, từ đó làm nền tảng cho sự phát triển thể thao thành tích cao”. Theo ông Hòa, phong trào TDTT quần chúng ở tỉnh phát triển mạnh nhưng chưa đều. Sự đầu tư (kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện tập luyện) cho hoạt động phong trào từ cấp huyện, thị, thành phố đến tỉnh còn thiếu hoặc chưa phù hợp, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Nguồn kinh phí cho sự nghiệp phát triển TDTT ở các địa phương hiện còn rất thấp (chỉ đạt từ 30 - 40%) so với nhu cầu thực tế nên không đảm bảo. Trong khi đó, các chế độ, chính sách đãi ngộ và thu hút nhân tài ở một số môn thể thao trọng điểm vẫn chưa có chuyển biến tích cực nên gặp khó khăn trong công tác đào tạo và bồi dưỡng lớp vận động viên trẻ, tài năng. Công tác quản lý của ngành vẫn chưa bắt kịp với sự phát triển chung của nền kinh tế; năng lực, chất lượng chuyên môn của cán bộ, huấn luyện viên ở các bộ môn vẫn còn thiếu và yếu. Hoạt động của các tổ chức liên đoàn, hiệp hội TDTT còn bị động và chưa có chiến lược cụ thể, điều đó ảnh hưởng đến thành tích và sự phát triển chung của ngành.


10 năm trở lại đây, dù đứng ở góc độ nào, thể thao phong trào hay đỉnh cao, thể thao Khánh Hòa đang có dấu hiệu của sự trì trệ. Trong khi thể thao Khánh Hòa hoàn toàn có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, nguồn lực để phát triển mạnh các môn thể thao biển, vừa phục vụ cho nhiệm vụ chính trị, vừa đẩy mạnh hợp tác quốc tế, phát triển du lịch, tuy nhiên, hiện chiến lược, kế hoạch hay định hướng cho các môn thể thao này vẫn chưa có. Nguyên nhân của những yếu kém trên chủ yếu là do nhận thức về tầm quan trọng của công tác TDTT của các cấp ủy, chính quyền và mỗi người dân còn hạn chế. Chính vì vậy, để sự nghiệp phát triển TDTT của tỉnh đạt được những mục tiêu, định hướng đề ra, từ nay đến năm 2020, ngành Thể thao nói riêng và các cấp chính quyền trong tỉnh nói chung còn nhiều việc phải làm. Trong đó, ngoài tăng cường tuyên truyền, vận động người dân cần có sự chung tay, góp sức thì việc quan tâm, đầu tư, tạo điều kiện để phong trào TDTT ở các địa phương phát triển mạnh về bề rộng, nâng dần về chiều sâu đóng vai trò quan trọng.


AN NHIÊN