11:11, 13/11/2013

SEA Games và cuộc đấu trên bàn

Còn cả tháng nữa SEA Games 27 mới diễn ra, nhưng những cuộc đấu trên bàn đã diễn ra giữa các đoàn thể thao với Ban tổ chức từ lúc này.

Còn cả tháng nữa SEA Games 27 mới diễn ra, nhưng những cuộc đấu trên bàn đã diễn ra giữa các đoàn thể thao với Ban tổ chức từ lúc này.


“Đòn hiểm” với ứng viên


Sau khi đội tuyển bóng đá U23 Philippines rút lui khỏi SEA Games, Ban tổ chức với sự giúp sức của AFC đã vội vàng đưa ra lịch thi đấu mới của môn bóng đá nam. Điều đáng nói, AFC đóng trụ sở tại Malaysia. Thế nên, Liên đoàn Bóng đá Malaysia có ảnh hưởng rất lớn đến tổ chức này.


Vì thế, người ta không hề ngạc nhiên khi Ban tổ chức SEA Games sắp xếp lịch thi đấu môn bóng đá nam bảng A rất trái với nguyên tắc. Theo tiêu chí ban đầu, các đội bóng vốn là hạt giống tại SEA Games sẽ không phải gặp nhau ngay những trận đấu đầu tiên. Tuy nhiên, theo bố trí của AFC, Việt Nam sẽ đá với Malaysia trận khai mạc SEA Games. Ngay sau đó, họ sẽ phải đọ sức với đối thủ sừng sỏ khác là Singapore.

 

U23 Việt Nam đang tích cực tập luyện chuẩn bị cho SEA Games 27.
U23 Việt Nam đang tích cực tập luyện chuẩn bị cho SEA Games 27.


Với cách bố trí lịch thi đấu kể trên, các ứng viên cho chức vô địch sẽ bị tổn hao về lực lượng. Nhưng, người ta dễ dàng nhận thấy thâm ý muốn làm khó U23 Việt Nam và U23 Singapore trong cách sắp xếp lịch trên. Với lịch thi đấu này, U23 Việt Nam phải dốc toàn lực mới mong có thể giành vé đến bán kết. Cũng không loại trừ khả năng U23 Việt Nam sẽ rớt đài sau vòng đấu bảng. Nếu U23 Việt Nam bị loại, hoặc bị tổn hao sinh lực ở vòng đấu bảng thì đương nhiên người được hưởng lợi là U23 Myanmar và U23 Malaysia.


Phải biết “thi đấu”


Từ chuyện của U23 Việt Nam người ta mới thấy, muốn thành công, trước hết, thể thao Việt Nam phải biết “thi đấu”. Bằng chứng là khi kiên quyết bảo vệ quyền lợi của mình, VFF đã buộc Ban tổ chức phải thay đổi lịch thi đấu theo hướng có lợi cho mình.


Tuy nhiên, ở SEA Games này, cuộc đấu trên bàn không chỉ diễn ra ở môn bóng đá. Nhiều môn thể thao khác cũng có thể bị ảnh hưởng vì sự toan tính nơi hậu trường. Mới đây, đoàn thể thao Việt Nam đã cử một tổ đi tiền trạm tại Myanmar. Sau chuyến đi này, các nhà lãnh đạo của thể thao Việt Nam đã tá hỏa khi phát hiện ra mình đang đối diện với rất nhiều rủi ro. Đầu tiên là việc nước chủ nhà không quen làm việc qua thư điện tử. Họ cũng chẳng mấy quan tâm đến việc kết nối với các đoàn thể thao. Điều này dẫn đến việc hàng chục vận động viên của đoàn thể thao Việt Nam bị làm sai hồ sơ. Nếu không được phát hiện kịp thời, khi bước vào SEA Games, các vận động viên này chắc chắn không được thi đấu.


Tiếp đó, tổ tiền trạm của đoàn thể thao Việt Nam cũng phát hiện rất nhiều bất cập trong công tác điều hành SEA Games. Thế nên, trong phiên họp mới nhất, lãnh đạo ngành Thể thao đã yêu cầu đoàn thể thao cũng như các liên đoàn, bộ môn phải làm mọi cách có thể để bảo vệ quyền lợi của mình tại SEA Games sắp tới. Nhưng, cái khó của các môn thể thao khác là không có những nhân vật có tầm ảnh hưởng ở các liên đoàn thể thao tại châu Á như bóng đá. Thế nên, cuộc đấu ở SEA Games sắp tới phần nhiều phụ thuộc vào tài ứng biến, gây áp lực của lãnh đạo đoàn thể thao Việt Nam.


BÌNH GIANG (KTĐT)