Phòng sự cố và tiêu cực, VFF nhờ Công an giám sát chặt 24/24 giờ đối với đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam trong suốt hành trình SEA Games 27.
Phòng sự cố và tiêu cực, VFF nhờ Công an giám sát chặt 24/24 giờ đối với đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam trong suốt hành trình SEA Games 27.
Trong thành phần đoàn thể thao Việt Nam dự SEA Games 27, một cán bộ an ninh thuộc A83 - Cục An ninh chính trị nội bộ được cắt cử giám sát 4 đội bóng đá, gồm U23 Việt Nam, tuyển nữ Việt Nam và 2 đội futsal nam, nữ. Đó là ông Đào Mạnh Cường - người đã nhiều lần tham gia giám sát các đội tuyển bóng đá trong mỗi kỳ SEA Games hoặc AFF Cup.
Tuy vậy, trong kế hoạch quản lý, điều hành cho các đội tuyển dự SEA Games 27, VFF còn thận trọng lên phương án mời thêm một cán bộ C45 - Bộ Công an tham gia và giám sát chặt đội U23 Việt Nam. Cán bộ này hỗ trợ cho U23 Việt Nam trong việc bảo vệ an ninh, an toàn, đặc biệt là phòng, chống tiêu cực trong suốt hành trình tham dự SEA Games 27. Phía VFF cho hay, do VFF và C45 đã có thỏa thuận về hợp tác chống tiêu cực, nên phương án của VFF chắc chắn được cơ quan Công an hỗ trợ tối đa.
Việc U23 Việt Nam (hay tuyển Việt Nam) được hỗ trợ, giám sát bởi lực lượng an ninh không phải là vấn đề quá mới. Tuy nhiên, đối với U23 Việt Nam, sau sự cố tại BTV Cup 2013, VFF đã trở nên đặc biệt cẩn thận, tránh những sai sót không đáng có xảy ra trong quá trình tham dự SEA Games 27. Ở BTV Cup, sau trận hòa ngược 3-3 trước Câu lạc bộ Bangu (Brazil), Tuy phía VFF khẳng định không có tiêu cực và cũng không mời cơ quan Công an vào cuộc điều tra, nhưng đã có nhiều thông tin bóng gió đề cập đến những nghi vấn đối với U23 Việt Nam từ trận đấu đáng ngờ này.
Trong khi đó, ở SEA Games 24 tại Bacolod (Philippines), chính nhờ có sự giám sát của lực lượng an ninh cùng theo đội U23 Việt Nam, vụ tiêu cực trên đất Philippines mới bị phanh phui. 7 cầu thủ U23 Việt Nam lúc đó gồm: Quốc Vượng, Văn Quyến, Văn Trương, Phước Vĩnh, Quốc Anh, Hải Lâm và Bật Hiếu đã bị phát hiện làm độ, đặt kèo U23 Việt Nam chỉ thắng Myanmar 1-0 trong lượt trận áp chót vòng bảng SEA Games 24. Đây là scandal rúng động giới bóng đá Việt Nam trong lịch sử tham dự các kỳ SEA Games.
Ở SEA Games 27, tuy U23 Việt Nam đá tại Nay Pyi Taw nhưng thầy trò Hoàng Văn Phúc được đặc cách riêng, không trú quân tại làng vận động viên SEA Games 27. Đội bóng của Huấn luyện viên Hoàng Văn Phúc được VFF thuê khách sạn ở riêng. Đây là ưu đãi cho thầy trò Hoàng Văn Phúc, nhưng cũng là điều kiện dễ phát sinh tiêu cực, một khi việc quản lý, giám sát không chặt chẽ.
Ngoài việc nhờ cơ quan Công an vào cuộc, giám sát U23 Việt Nam 24/24 giờ trong suốt thời gian dự SEA Games 27, mới đây VFF đã lập Ban chỉ đạo bóng đá SEA Games 27 do Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ làm trưởng ban. Ban này có trọng trách giải quyết các sự cố đột xuất trong quá trình dự SEA Games 27 của 4 đội bóng đá, trong đó đặc biệt lưu ý là U23 Việt Nam. Bên cạnh đó, ghế Trưởng đoàn U23 Việt Nam đã được xác định do Tổng Thư ký VFF Ngô Lê Bằng đảm trách, còn cựu Tổng Thư ký VFF Trần Quốc Tuấn giữ vai trò lãnh đạo đội, đặc trách 4 đội bóng đá của đoàn thể thao Việt Nam.
Minh Huy (VOV online)