07:10, 29/10/2013

Trẻ hóa sao phải băn khoăn?

Chuẩn bị cho SEA Games 27 vào cuối năm nay, đa số các đội tuyển quốc gia đã chốt lại danh sách, trong đó có nhiều đội ưu tiên cho việc trẻ hóa lực lượng. Tuy nhiên, vẫn còn những băn khoăn về 2 đội tuyển bóng chuyền nam và quần vợt nam…

Chuẩn bị cho SEA Games 27 vào cuối năm nay, đa số các đội tuyển quốc gia đã chốt lại danh sách, trong đó có nhiều đội ưu tiên cho việc trẻ hóa lực lượng. Tuy nhiên, vẫn còn những băn khoăn về 2 đội tuyển bóng chuyền nam và quần vợt nam…


1. Người trong giới bóng chuyền có phần không hài lòng về bản danh sách 14 tuyển thủ vừa được triệu tập lên đội tuyển quốc gia tham dự SEA Games 27. Thứ nhất, thành phần được cho là trẻ không nhiều, vẫn bỏ sót một số gương mặt được đánh giá cao về chuyên môn, tinh thần thi đấu. Thứ nhì, với lực lượng hiện có, khả năng đoạt lại tấm huy chương đồng từ tay Myanmar, hoặc mạnh mẽ hơn là tranh chấp huy chương vàng cùng Thái Lan và Indonesia là gần như không thể.


Giới chuyên môn rất trông đợi vào một cuộc trẻ hóa lực lượng, khi khá nhiều gương mặt trẻ, giỏi và thật sự khát vọng đã xuất hiện, như trường hợp của các vận động viên (VĐV) Từ Thanh Thuận (Vĩnh Long), Nguyễn Văn Hạnh, Lê Thành Hạc (Đức Long Gia Lai), Nguyễn Trường Giang (Bến Tre)... Tuy nhiên, chỉ có Thanh Thuận được triệu tập đợt này, trong khi những cái tên kể trên bị lãng quên và được thay bằng một số VĐV còn thua kém họ về năng lực và mức độ ảnh hưởng.

 

Người hâm mộ trông chờ sự hồi phục mau chóng của bóng chuyền Việt Nam ở đấu trường châu lục.
Người hâm mộ trông chờ sự hồi phục mau chóng của bóng chuyền Việt Nam ở đấu trường châu lục.


Sau sự chia tay của “oanh tạc cơ” Ngô Văn Kiều và tới đây có thể là chủ công hàng đầu Nguyễn Hữu Hà, thì lứa trẻ với những cái tên vừa kể ra được đánh giá là chỗ dựa, là tương lai của bóng chuyền nam Việt Nam trong chiến lược cách tân để trở thành đối trọng của người Thái, người Indonesia.


Dường như vẫn tồn tại một tâm lý băn khoăn về cuộc trẻ hóa lực lượng ở thời điểm hiện nay trong làng bóng chuyền. Nếu mạnh dạn thay đổi, theo nhận định của chính một số chuyên gia và huấn luyện viên uy tín, bóng chuyền nam Việt Nam sẽ mau chóng hồi phục, sẵn sàng bước vào sân chơi Đông Nam Á với tâm thế khác, tham vọng hơn.


2. Tay vợt Lý Hoàng Nam đang thăng tiến, được thừa nhận thực sự là tay vợt nam số 1 Việt Nam, sau khi anh bảo vệ thành công danh hiệu vô địch quốc gia vừa qua. Đáng tiếc, Hoàng Nam không có tên trong thành phần đội tuyển quốc gia dự giải vô địch Đông Nam Á - giải đấu có thể coi là SEA Games 27 thu nhỏ của môn quần vợt (do Myanmar không tổ chức môn thi này).


Theo lý giải của ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng thư ký Liên đoàn Quần vợt Việt Nam - thì đấy là vì giới chức không nhận được bất kỳ thông tin phản hồi nào từ quần vợt Bình Dương, mặc dù đã đánh tiếng triệu tập tay vợt trẻ và giàu triển vọng này lên tuyển. Lý do bận đi thi đấu giải trẻ U.18 tại Thái Lan là không thỏa đáng nếu coi đó như cách để thoái thác nhiệm vụ quốc gia. Sâu xa, ai cũng hiểu sau rắc rối của vụ Huấn luyện viên Trần Đức Quỳnh cùng học trò từ chối lên đội tuyển quốc gia, mọi chuyện chưa được giải quyết rốt ráo, và hai thầy trò họ vẫn còn chờ án kỷ luật từ Liên đoàn Quần vợt Việt Nam.


Thế nhưng, mọi sai sót và cắc cớ, nói như ông Nguyễn Quốc Kỳ, xuất phát từ người lớn chứ không phải từ Lý Hoàng Nam. Tay vợt trẻ này vô can trong vụ việc vừa rồi và cần được bồi dưỡng, tạo cơ hội để phát triển tài năng, không chỉ phục vụ quần vợt Bình Dương, mà lớn hơn là quần vợt nước nhà. Đấy mới là điều quan trọng.


Thiết nghĩ, chuyện mà người lớn tạo ra thì cần cầu thị để mau chóng khép lại, để mở đường cho Lý Hoàng Nam hay nhiều tay vợt trẻ đang được chú ý khác nữa rèn luyện, phát triển vì sự nghiệp chung của quần vợt nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung.


Mong được như vậy lắm!


LÊ HÙNG (SGGP)