Nước chủ nhà SEA Games 27 là Myanmar tuyên bố sẽ bán bản quyền truyền hình chứ không miễn phí như truyền thống. Tuyên bố ấy khiến dư luận lo ngại rằng, các đài truyền hình tại Việt Nam sẽ lại tham gia một cuộc chạy đua mới và chiến thắng chỉ thuộc về đối tác nước ngoài.
Nước chủ nhà SEA Games 27 là Myanmar tuyên bố sẽ bán bản quyền truyền hình chứ không miễn phí như truyền thống. Tuyên bố ấy khiến dư luận lo ngại rằng, các đài truyền hình tại Việt Nam sẽ lại tham gia một cuộc chạy đua mới và chiến thắng chỉ thuộc về đối tác nước ngoài.
Món hàng đắt giá
Với các đơn vị khai thác thương quyền thì SEA Games không phải là món hàng đắt giá. Đại hội thể thao lớn nhất khu vực này được ví là “hội làng” nên không có nhiều sức hấp dẫn. Thế nhưng, sẽ là sai lầm lớn nếu cho rằng bản quyền truyền hình SEA Games là món hàng ế. Ít nhất là với thị trường Việt Nam, đây là món hàng được nhiều nhà đài săn đón. Thực tế cho thấy, tại các kỳ SEA Games, lực lượng phóng viên truyền hình tại Việt Nam luôn chiếm số lượng đông đảo nhất. Và cũng chỉ có ở Việt Nam, các môn thể thao mới được tường thuật một cách rộng rãi đến vậy. Đặc biệt là bóng đá, các đài truyền hình đều muốn sở hữu bản quyền, vì có đội tuyển U23 thi đấu.
Vì vậy, chắc chắn một điều, nếu Myanmar bán bản quyền truyền hình thì những đối tác đầu tiên muốn mua sẽ đến từ Việt Nam. Thậm chí, họ sẵn sàng trả những cái giá khủng để sở hữu sóng sạch.
Các đài lại… chạy đua
Bóng đá là môn các nhà đài đều muốn sở hữu bản quyền. (Ảnh minh họa) |
Theo thông tin từ Ủy ban Olympic Việt Nam, nước chủ nhà SEA Games 27 quyết định giao cho Đài Phát thanh truyền hình quốc gia Myanmar làm đầu mối phân phối bản quyền truyền hình. Các đối tác phải liên hệ với đài truyền hình này để đàm phán giá cả. Ủy ban Olympic Việt Nam muốn VTV đứng ra đàm phán bản quyền rồi sau đó phân phối lại cho các đài khác với điều kiện không được độc quyền.
Thế nhưng, sau sự đổ vỡ của liên minh đàm phán bản quyền giải ngoại hạng, niềm tin dành cho VTV đã không còn. Lãnh đạo một đài truyền hình có tiếng cho biết: “Chúng tôi không còn tin vào những liên minh được thành lập mà không có bất cứ ràng buộc nào. Chúng tôi hiểu rằng, không thể trông chờ vào người khác mà sẽ tự hành động để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Những gì đã xảy ra là bài học quá lớn cho chúng tôi trong đàm phán hợp đồng”.
Có thể, các đài truyền hình sẽ “đi riêng” theo cái cách K+ đã làm nhằm giành bản quyền SEA Games 27. Điều này từng có tiền lệ khi VTC từng mua độc quyền bản quyền truyền hình SEA Games 24 được tổ chức tại Thái Lan vào năm 2007. Tuy nhiên, trước sự phản ứng của các nước tham dự SEA Games, Thái Lan đã chơi đẹp bằng cách miễn phí bản quyền nên kế hoạch của VTC bị phá sản.
Lần này, Myanmar hẳn rất muốn có thêm những khoản thu để bù đắp cho chi phí tổ chức giải. Họ sẽ không miễn phí bản quyền. Và nếu các đài truyền hình tại Việt Nam không thể có được tiếng nói chung trong đàm phán thì chắc chắn, người được hưởng lợi chính là nước chủ nhà SEA Games. Khi ấy, các đài tại Việt Nam sẵn sàng tung tiền vào cuộc đấu giá, khiến phí bản quyền tăng lên chóng mặt.
SEA Games 27 còn 7 tháng nữa mới diễn ra. Thế nhưng, cuộc chiến về bản quyền truyền hình giữa các nhà đài nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ sớm diễn ra.
Theo KTĐT
Ban tổ chức SEA Games 27 tại Myanmar đã khẳng định sẽ bán bản quyền truyền hình SEA Games 27 nhưng sẽ ở mức chấp nhận được và theo ước tính của các chuyên gia là khoảng hơn 300 nghìn USD.
Ông Hoàng Vĩnh Giang - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Olympic Việt Nam - cho biết: “Trên nguyên tắc, bản quyền truyền hình của SEA Games được miễn phí. Tuy nhiên, ở kỳ SEA Games 27, Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á (cơ quan nắm giữ độc quyền bản quyền truyền hình SEA Games) sẽ lặp lại việc bán bản quyền như từng thực hiện tại Lào năm 2009”. Các quốc gia tham dự được đề cử một nhà đài đại diện tham gia đàm phán chi phí, sau đó sẽ chia sẻ với các đơn vị truyền hình trong nước.
Ngày 22-3, một cuộc họp diễn ra ở Myanmar sẽ thống nhất giá bản quyền truyền hình ở SEA Games 27. Đại diện cho Việt Nam là VTV.