Tiếp tục vận động tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí cho các giải đấu thể dục thể thao là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Thể thao tỉnh Khánh Hòa nhằm tạo cú hích cho việc đẩy mạnh sân chơi thể thao phong trào trong năm 2013.
Tiếp tục vận động tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí cho các giải đấu thể dục thể thao (TDTT) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Thể thao tỉnh Khánh Hòa nhằm tạo cú hích cho việc đẩy mạnh sân chơi thể thao phong trào trong năm 2013.
Năm qua, ngành Thể thao Khánh Hòa ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ của các hoạt động TDTT phong trào, tạo được nhiều sân chơi chất lượng, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Theo số liệu của ngành TDTT, hiện nay, toàn tỉnh có hơn 600 câu lạc bộ (CLB) thể thao cơ sở đang hoạt động ở các môn như: bóng đá, cầu lông, quần vợt... Trong đó có 358 CLB đã được kiện toàn hoặc thành lập lại theo Thông tư 18 của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch về tổ chức và hoạt động của CLB TDTT cơ sở; còn khoảng 300 CLB đang được các xã, phường tiếp tục rà soát để cấp phép hoạt động. Việc thành lập nhiều CLB thể thao cho thấy tiềm lực cũng như sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của người dân đối với phong trào thể thao.
Tuy nhiên, một trong những vấn đề khó khăn của nhà quản lý đó là làm sao có đủ kinh phí để tổ chức được nhiều sân chơi có chất lượng nhằm khuyến khích, động viên các CLB TDTT ở cơ sở tiếp tục duy trì hoạt động trong khi nguồn ngân sách được cấp không nhiều. Được biết, hàng năm, nguồn kinh phí được cấp cho hoạt động thể thao phong trào của tỉnh khoảng hơn 2,5 tỷ đồng. Trong đó chỉ có hơn 1,1 tỷ đồng được sử dụng cho việc tổ chức các giải đấu nhằm duy trì sân chơi cho các CLB, còn lại được dùng cho những hoạt động như: duy trì tập luyện cho vận động viên (VĐV) các môn Muay Thái, Judo, bóng đá bãi biển, cờ tướng (những môn chưa được đưa vào biên chế của Trung tâm Huấn luyện kỹ thuật thể thao tỉnh) và các hoạt động khen thưởng. Ông Nguyễn Hải Sơn - Trưởng phòng Nghiệp vụ Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết: “Hiện nay, việc duy trì hoạt động ở một số môn thể thao rất khó, trong khi kinh phí ngân sách không đủ”. Theo ông Sơn, hàng năm, ngành Thể thao tỉnh tổ chức từ 18 đến 20 giải thể thao phong trào. Nếu không có hỗ trợ tích cực từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân thông qua công tác xã hội hóa thì chắc chắn sẽ không có đủ sân chơi để thúc đẩy sự phát triển của hoạt động thể thao phong trào.
Sự hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp đã góp phần tạo ra nhiều sân chơi, thúc đẩy hoạt động thể thao phong trào. |
Một điều đáng mừng, năm 2012, ngành Thể thao tỉnh đã vận động các tổ chức, doanh nghiệp tài trợ tổ chức các giải cấp tỉnh, quốc gia, quốc tế với nguồn kinh phí hỗ trợ hơn 3 tỷ đồng (cấp tỉnh đạt 1,8 tỷ đồng, cấp huyện 800 triệu đồng và cấp xã 500 triệu đồng). Trong đó, một số giải đã tạo được hiệu ứng xã hội cao, thu hút các tầng lớp nhân dân tham gia như: Giải Bán marathon quốc tế Việt - Nhật (kinh phí hơn 200 triệu đồng); giải bóng chày U14 quốc tế (400 triệu đồng); giải vô địch bóng đá bãi biển toàn quốc (30 triệu đồng); bóng đá mini sân cỏ nhân tạo cúp Larue (500 triệu đồng); bóng đá Futsal Sanna, Mê Trang (hơn 300 triệu đồng)... Qua đó, không ít giải đấu đã trở thành thương hiệu, nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của người dân.
Theo ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, có được kết quả này là nhờ ngành TDTT tỉnh luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, đầu tư của các cấp lãnh đạo; sự nỗ lực của tập thể cán bộ trong ngành; sự hưởng ứng nhiệt tình của các tổ chức, cá nhân... trong việc tạo thêm nhiều sân chơi cho phong trào thể thao. Đây chính là nguồn động lực khuyến khích các hoạt động thể thao phong trào có điều kiện phát triển. Chính vì vậy, trong phương hướng, nhiệm vụ năm 2013, ngoài tập trung củng cố lực lượng VĐV các môn thể thao thành tích cao, kết hợp với đào tạo VĐV trẻ để sẵn sàng tham gia thi đấu đạt thành tích ở các giải quốc gia, quốc tế, ngành TDTT tỉnh sẽ chú trọng hơn nữa việc vận động, mở rộng ký kết với các tổ chức, doanh nghiệp tài trợ cho những hoạt động thể thao phong trào.
AN NHIÊN