Sau khi Mạc Hồng Quân được gọi vào đội tuyển Việt Nam, các cầu thủ Việt kiều có năng lực thực sự đã bắt đầu xác định mục tiêu làm được điều tương tự. Họ tin, việc khoác áo đội tuyển Việt Nam không phải là giấc mộng viển vông.
Sau khi Mạc Hồng Quân được gọi vào đội tuyển (ĐT) Việt Nam, các cầu thủ Việt kiều có năng lực thực sự đã bắt đầu xác định mục tiêu làm được điều tương tự. Họ tin, việc khoác áo ĐT Việt Nam không phải là giấc mộng viển vông.
Ông Sony Nguyễn (ảnh nhỏ) và các học viên của Học viện bóng đá TSSA |
“Tiền đạo triệu đô” cũng phải “ghen”
Việc Mạc Hồng Quân có tên trong danh sách tập trung của ĐTQG nhận được sự quan tâm rất lớn của cộng đồng người Việt Nam định cư ở nước ngoài, đặc biệt là các cầu thủ bóng đá.
Emil Lê Giang, tiền đạo gốc Việt từng nổi danh với mức giá “triệu đô” ở Slovakia đã liên lạc với PV báo Bóng đá để hỏi thông tin. Từng về Việt Nam thử sức tại các CLB V-League hồi giữa năm ngoái, Emil hiểu rõ những khó khăn mà cầu thủ Việt kiều phải trải qua, nhưng anh vẫn đưa ra những dự báo rất lạc quan.
Tiền đạo gốc Việt Emil Lê Giang |
Emil nói: “Tôi tin Hồng Quân có khả năng thực sự vì cậu ấy đã thi đấu cho ĐT U22 QG và tiếp tục được gọi vào ĐT Việt Nam. Chỉ trong nửa năm, Hồng Quân từ vô danh đã trở thành tuyển thủ QG. Có lẽ còn nhiều điều tốt đẹp nữa sẽ đến với cậu ấy”.
Về phần mình, Emil cũng khẳng định anh đang quyết tâm thi đấu tại Slovakia thật ổn định để một ngày gần nhất sẽ về nước chứng tỏ lại năng lực bản thân. Không chỉ Emil, em ruột cầu thủ này là thủ môn Patrick Lê Giang cũng có mục tiêu tương tự.
Giấc mơ của cậu bé Nhật và ông giáo Mỹ
Sau khi danh sách tập trung của ĐT Việt Nam được công bố, báo Bóng đá nhận được nhiều email của các cầu thủ Việt kiều trên khắp thế giới. Trong số đó có Trung Trường, một Việt kiều 17 tuổi đang học văn hóa và chơi bóng cho CLB trường trung học Hikijidai (tỉnh Kanagawa, Nhật Bản). Tại Nhật, các trường học hàng năm đều trao học bổng cho các học sinh có năng khiếu bóng đá để giúp CLB của mình đạt thành tích cao tại giải toàn quốc. Trung Trường cũng đến với CLB trường Hikijidai theo cách này.
Cầu thủ này cho biết: “Các CLB bóng đá của trường phổ thông, đại học ở Nhật liên kết với CLB J-League để đào tạo cầu thủ trẻ. Vì vậy, tôi tin vào khả năng của mình và dự định sẽ về Việt Nam thử việc ở V-League sau khi tốt nghiệp THPT vào giữa năm nay. Tôi sẽ cố gắng để được khoác áo ĐT Việt Nam như anh Hồng Quân!”.
Một email khác được gửi từ Texas (Mỹ) của ông Sony Nguyễn - Giám đốc Học viện bóng đá TSSA đang đào tạo nhiều cầu thủ trẻ gốc Việt. Ông nói: “Tôi muốn tìm hiểu nhiều hơn về bóng đá Việt Nam để có cách đào tạo thích hợp, chuẩn bị cho học trò kỹ năng để sau này đóng góp hiệu quả cho bóng đá nước nhà!”.
Ông Sony Nguyễn cũng dự định thành lập một đội bóng từ các học viên giỏi nhất của Học viện để trở về Việt Nam thi đấu giao hữu với các CLB V-League vào mùa Hè 2013. Vị HLV này tỏ ra rất lạc quan: “Tôi tin rằng nếu được chuẩn bị về chuyên môn và có khao khát thực sự thì cầu thủ Việt kiều sẽ luôn được chào đón khi trở về quê hương”…
CLB Hùng Vương của người Việt tại Mỹ
Theo giới thiệu của ông Sony Nguyễn, học viện của ông chọn tên “TSSA” để dễ dàng sử dụng trong các hoạt động, giao dịch hàng ngày tại Mỹ. Còn khi tham dự các giải đấu bóng đá ở bang Texas thì các đội bóng ở mọi lứa tuổi của học viện đều sử dụng thương hiệu rất Việt Nam là “Hùng Vương FC”.
Theo Bóng đá Plus