Hầu hết các địa phương đều cho rằng gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động thể dục thể thao do thiếu cơ sở tập luyện. Tuy nhiên thực tế cho thấy, số lượng các công trình phục vụ thể thao không ít nhưng chưa được khai thác đúng mức.
Hầu hết các địa phương đều cho rằng gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động thể dục thể thao (TDTT) do thiếu cơ sở tập luyện. Tuy nhiên thực tế cho thấy, số lượng các công trình phục vụ thể thao không ít nhưng chưa được khai thác đúng mức.
Hơn 100 địa điểm tập luyện thể dục thể thao...
Theo báo cáo tổng kết công tác TDTT năm 2012 và phương hướng nhiệm vụ 2013 của Phòng Nghiệp vụ thể thao (Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch), một trong những khó khăn, hạn chế ảnh hưởng đến sự phát triển chung của thể thao Khánh Hòa là thiếu đất để quy hoạch cho hoạt động TDTT ở các phường nội thành; thiếu kinh phí đầu tư, xây dựng các công trình thể thao trọng điểm công lập, ngoài công lập. So với trước đây, tuy số lượng cơ sở vật chất TDTT năm 2012 có tăng nhưng về quy mô, chất lượng vẫn chưa đáp ứng kịp nhu cầu của đông đảo người dân.
Tuy nhiên, tính đến năm 2012, toàn tỉnh có 7 sân vận động (SVĐ), 7 nhà thi đấu đa năng (TĐĐN), trong đó cấp tỉnh 1 SVĐ, 1 nhà TĐĐN và số còn lại thuộc 6/8 huyện, thị xã, thành phố. Đó là các công trình TDTT lớn dùng để tổ chức hoạt động TDTT trọng điểm. Đối với các công trình TDTT nhỏ ở cơ sở (kể cả công lập, ngoài công lập), toàn tỉnh cũng có hơn 100 địa điểm, sân bãi, câu lạc bộ phục vụ cho hoạt động TDTT riêng lẻ ở từng bộ môn như: sân bóng đá mini (cỏ nhân tạo); các trung tâm, câu lạc bộ cầu lông, quần vợt, cờ tướng, thể dục thẩm mỹ; các điểm tập dưỡng sinh, võ thuật ngoài trời... Ở Nha Trang, chỉ tính riêng khu vực nội thành đã có hơn 40 trung tâm, câu lạc bộ bóng đá, quần vợt do các tổ chức, doanh nghiệp, tư nhân đứng ra đầu tư xây dựng, kinh doanh. Ở xã Ninh Sim (thị xã Ninh Hòa), ngoài cơ sở vật chất sân bãi, nhà tập cầu lông do UBND xã quản lý còn có thêm 1 nhà tập, 5 sân cầu lông ngoài trời do tư nhân đầu tư, khai thác... Từ các con số trên cho thấy, số lượng công trình, địa điểm tập luyện TDTT trên địa bàn tỉnh không ít. Tuy nhiên, do thiếu sự quản lý, đầu tư của các địa phương, đơn vị nên khó thu hút người dân tham gia các hoạt động TDTT.
Ở Nha Trang, các hoạt động thể thao phong trào diễn ra sôi nổi, thu hút nhiều tầng lớp nhân dân tham gia. |
Khai thác thiếu hiệu quả
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, ngoài Cam Lâm do mới tách huyện nên chưa có SVĐ và nhà TĐĐN, các địa phương còn lại đều có ít nhất 1 công trình TDTT công lập phục vụ các hoạt động thể thao, vui chơi, giải trí cho người dân. Tuy nhiên đến nay, ngoại trừ cơ sở TDTT công lập của TP. Nha Trang (điển hình là Trung tâm Tập luyện và thi đấu thể thao Nha Trang) hoạt động hết công suất, thu hút đông đảo người dân tham gia thì các địa phương khác vẫn chưa nhận được sự quan tâm đầu tư, khai thác hiệu quả. Ở huyện Vạn Ninh, cụm cơ sở tập luyện TDTT huyện (gồm nhà TĐĐN và SVĐ) được xây dựng đã lâu nhưng đến nay vẫn chưa được đầu tư sửa chữa, nâng cấp nên gặp nhiều khó khăn trong việc tổ chức các hoạt động thể thao cấp huyện, cấp tỉnh. Ông Nguyễn Trường Sinh - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Vạn Ninh cho biết: “Hiện nay, khó khăn lớn nhất của đơn vị chủ yếu là nguồn kinh phí để đầu tư, nâng cấp sửa chữa cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động TDTT. Vì vậy, việc khai thác thiếu hiệu quả”. Theo ông Sinh, những năm qua, tuy công tác xã hội hóa lĩnh vực TDTT có nhiều chuyển biến tích cực, thu hút được sự quan tâm của các tổ chức, doanh nghiệp nhưng vẫn còn nhỏ lẻ, chưa đáp ứng được nhu cầu tập luyện TDTT của người dân địa phương.
Từ thực tế trên cho thấy, vấn đề khó khăn của các địa phương trong việc triển khai các hoạt động TDTT phong trào, quần chúng không phải do thiếu cơ sở, phương tiện tập luyện mà chủ yếu là thiếu nguồn kinh phí đầu tư cũng như các hoạt động phong trào sôi nổi để thu hút người dân tham gia.
AN NHIÊN