“Bóng đá Việt Nam đang mắc lỗi hệ thống”, đó là khẳng định của ông Lê Tiến Anh, Chủ tịch câu lạc bộ Khatoco Khánh Hòa. Câu nói chua chát ấy phát ra trong một buổi họp các ông bầu làm bóng đá được tổ chức vào năm 2011. Giờ đây, khi bóng đá ở mảnh đất Khánh Hòa chỉ còn là bình địa, đó hẳn là một lỗi nghiêm trọng và phải là lỗi hệ thống.
Nội lực yếu và thiếu
Khi các CLB bóng đá dần chuyển giao cho các doanh nghiệp tư nhân, nhiều đến nỗi đã có lúc người ta khẳng định, V-League giờ chính là cuộc chiến của những ông bầu. Người ta gọi Chủ tịch CLB K.KH là một ông bầu. Nhưng đó là một khái niệm khiên cưỡng. Ông Bầu chính cống phải là người bỏ tiền trong túi của mình ra để làm bóng đá. Và giải đấu cao nhất cấp CLB tại Việt Nam dần chứng kiến sự chuyển giao hoặc rơi rụng của những đội bóng sống bằng bầu sữa quốc doanh.
Nhưng K.KH lại là một ngoại lệ. Vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Tôi là một người có điều kiện theo dõi đội bóng K.KH kể từ ngày Tổng công ty Khánh Việt xuất hiện. 8 năm đã trôi qua, những nốt trầm nhiều hơn âm điệu thăng hoa, nhưng phải nói rằng, bóng đá KH đã vượt qua rất nhiều khó khăn một cách ngoạn mục.
Nhưng rồi, đã có lúc, K.KH chợt ngoảnh lại: “làm bóng đá là trách nhiệm của một doanh nghiệp với tỉnh nhà, với người dân Khánh Hòa. Nhưng gần như chỉ một mình K.KH làm xem chừng không ổn”. Trong khi tiền bạc thì đổ vào ngày càng nhiều. Cần thêm người chung tay, cần thêm nguồn lực để tương hỗ.
K.KH luôn cảm giác không được chia sẻ trách nhiệm với bóng đá KH. |
Đó là một xu thế, và là xu thế tất yếu mà những địa phương khác đã làm từ lâu. Vậy mà gần như lễ tổng kết và xuất quân nào ở K.KH, một cụm từ được nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần: “Mong UBND tỉnh quan tâm hơn nữa đến việc kêu gọi các doanh nghiệp khác đầu tư vào bóng đá”. Đó không phải là việc gì đó quá lớn lao, tỷ này, tỷ nọ.
Các doanh nghiệp có thể đầu tư bằng nhiều hình thức khác nhau, số tiền thì tất nhiên là… tùy hỷ. Vài ba hay dăm bảy chục triệu đồng tiền mặt mỗi năm, một vài biển quảng cáo trên sân 19-8 Nha Trang, tài trợ áo quần hay dày dép cho cầu thủ… Ngoài ý nghĩa góp gió thành bão, điều đó còn giúp cho K.KH cảm thấy không đơn độc trước trách nhiệm với bóng đá Khánh Hòa.
Nhiều người cho rằng, thiếu sự chung tay trong tiền bạc không nguy hiểm bằng cảm giác đơn độc trước khó khăn. K.KH từng 10 trận không biết đến chiến thắng (V-League 2011). Liệu đã có mấy ai sẻ chia ngoài mũi dùi của báo giới và mối hiềm nghi của người hâm mộ? Buồn đã thế, khi có kết quả tốt, như kỳ tích lần đầu tiên đưa K.KH lọt vào top 4 đội mạnh nhất khi V-League 2010 kết thúc. Chẳng có một lời chúc mừng nào. Đến nỗi giám đốc CLB Lê Tiến Anh phải chua chát: "Chúng tôi chỉ biết… tự sướng với nhau. Vậy thì thứ 4 hay thứ 12 có khác gì nhau đâu”. Và quả là K.KH ngay sau mùa giải 2010 thăng hoa, họ kết thúc mùa 2011 ở thứ 11 và chỉ hơn đội rớt hạng ở V-League 2012 chỉ 2 điểm.
Ngoại cảnh dập vùi
Có một người bạn đã thốt lên với tôi rằng: “bóng đá Việt Nam như đang ở trong thời loạn lạc. Thật buồn là loạn lạc thường đi kèm với ly tán. Bóng đá KH phải ly tán là đúng thôi”.
Cách đây chừng 3 năm, trước thực tế chảy máu lực lượng, ông Lê Tiến Anh từng khẳng định: “K.KH không đua tiền với những kẻ nhảy vào làm bóng đá theo kiểu ăn xổi. Cầu thủ nào cảm thấy nơi khác tốt hơn, chúng tôi sẵn sàng tạo điều kiện để ra đi. Nhưng tôi tin rằng, với kiểu làm bóng đá như hiện nay, nhưng đội bóng ăn xổi thì sẽ không bền được”. Và quả thật, cho đến lúc này, sau giai đoạn phát triển quá nóng, hàng loạt ông bầu đã quyết định bỏ bóng đá với rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Nhưng tựu chung là vì tiền đã cạn. Hoặc đã đạt được mục đích. Hoặc đơn giản là không còn cảm hứng.
Những ngày cuối năm 2012, chưa bao giờ, một đội bóng lại có thể dễ dàng giải tán đến thế. Cũng chưa bao giờ, việc mua bán đội bóng, “giao lưu” suất V-League hay hạng nhất lại có thể diễn ra một cách chóng vánh đến nỗi người ngoài cuộc chỉ biết há hốc mồm kinh ngạc.
Hội cổ động viên Khánh Hòa cũng đã bị... cách chức. |
Một nguyên do được nhắc đến nhiều nhất, đó chính là Đề án Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, được Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt vào tháng 7-2012. Một trong những yêu cầu chính yếu là việc thoái vốn nhà nước đã đầu tư vào ngành không phải kinh doanh chính hoặc không trực tiếp liên quan với ngành kinh doanh chính. Tổng công ty Khánh Việt là doanh nghiệp nhà nước, không thể tiếp tục dùng vốn của nhà nước để đầu tư vào bóng đá.
Tất cả tạo nên một điều kiện lý tưởng tiếp sức cho K.KH đủ sức mạnh để tự đánh đắm bản thân mình, nhằm trục vớt con tàu bóng đá Hải Phòng đang bị chìm nghỉm ở tận đất Bắc.
C.Đ