10:50, 10/08/2024

Thị trường chuyển nhượng Hè 2024: Quay trở lại với giá trị thật

CAO DUY

Khi kỳ chuyển nhượng Hè 2024 đã dần tới giai đoạn cuối, dù đã có không ít bom tấn đã nổ thì vẫn chưa có quả bom tấn nào trị giá hàng trăm triệu euro như trước đây, đồng thời số tiền chi vào thị trường chuyển nhượng của các giải đấu đã giảm xuống khá nhiều. Điều đó cho thấy tất cả đang dần quay trở lại với giá trị thật của nó.

Giá trị cầu thủ trên thị trường chuyển nhượng đang dần quay trở lại đúng với giá trị thật của nó.
Giá trị cầu thủ trên thị trường chuyển nhượng đang dần quay trở lại đúng với giá trị thật của nó.

Cho tới thời điểm hiện tại, giải đấu chi mạnh tay nhất vào thị trường chuyển nhượng vẫn là Ngoại hạng Anh, nhưng tình hình và con số cụ thể lại không thể gọi là mức chuyển nhượng cao được. Bởi khi ngay cả đối với Ngoại hạng Anh thì con số chi vào chuyển nhượng cũng chỉ khoảng 1 tỷ rưỡi euro, tức là mới bằng một nửa của kỳ chuyển nhượng Hè năm trước. Khi mà thị trường chuyển nhượng đã dần tới giai đoạn cuối, với nhiều câu lạc bộ lớn đã tuyên bố kết thúc chuyển nhượng hoặc cũng chỉ còn một vài mục tiêu hướng tới, thì thói quen phá kỷ lục chuyển nhượng của Ngoại hạng Anh có lẽ là không còn, chứ đứng nói ghi những giải đấu khác với mức chi khá là dè dặt.

Điều gì đã dẫn đến việc các giải đấu chi tiêu ít lại như vậy trong kỳ chuyển nhượng Hè 2024? Hay nói cách khác, những bản hợp đồng quyết mua cho bằng được bất chấp giá cả đã không còn, vậy nguyên nhân là từ đâu? Có lẽ nguyên nhân lớn nhất sẽ đến từ việc các câu lạc bộ lớn đã dần thay đổi đường lối mua sắm, khi bạo chi đã không còn mang lại hiệu quả kinh tế tương xứng, đặc biệt trong hoàn cảnh kinh tế không quá lạc quan và túi tiền của giới nhà giàu Saudi Arabia đã tạm khép lại sau một mùa giải chi tiêu thoải mái.

Dễ thấy nhất là tình trạng chi tiêu bất chấp đã không còn thấy từ các đội bóng nhà giàu, mà thay vào đó là những sự đầu tư khoa học hơn, tính toán rõ ràng hơn, đặc biệt luôn có mức trần để giới hạn lại những cơn “say máu” xuống tiền bất chấp. Real Madrid có thể nói là câu lạc bộ đi đầu trong việc thay đổi đường lối chuyển nhượng, chỉ đầu tư vào các ngôi sao trẻ với mức lương thấp nhưng mức đãi ngộ cao tùy theo thành tích, mà những Jude Bellingham, Kylian Mbappe, Endrick, Eduardo Camavinga… chính là những ví dụ minh họa cực kỳ rõ ràng. Thành tích mà câu lạc bộ này có được cho tới hiện tại chính mà minh chứng cho sự đúng đắn của chính sách này.

Những ông lớn khác của La Liga thì Barcelona sau một thời gian dài vung tay quá trán, một vài mùa giải gần đây đã phải thu mình hướng tới những cầu thủ trẻ dạng tiềm năng, hoặc những tài năng trẻ do chính họ đào tạo ra. Atletico Madrid chỉ mới ra tiền một cách mạnh mẽ ở kỳ chuyển nhượng này sau nhiều kỳ chuyển nhượng liên tiếp tiết kiệm tích góp.

Còn đối với Ngoại hạng Anh, Chelsea dưới thời của Todd Boehly đã thực hiện chính sách này thậm chí là khá cực đoan, khi liên tiếp mua về những cầu thủ trẻ dạng tiềm năng rồi mới thanh lọc lại đội hình. Arsenal đã rất thành công trong công việc đầu tư vào cầu thủ trẻ dưới thời Mikel Arteta, những mùa giải gần đây không tham gia nhiều vào thị trường chuyển nhượng mà chỉ đầu tư vào những cái tên thực sự cần thiết.

Những câu lạc bộ tại Ngoại hạng Anh có giới chủ Ả Rập giàu có là Manchester City và Newcastle vốn có đường lối khá rõ ràng, khi chỉ đầu tư mạnh giai đoạn đầu, còn lại vẫn hướng tới sự bền vững ổn định là chính, nên không còn mua sắm tràn lan mà đảm bảo sự cân bằng thu chi trong chuyển nhượng cầu thủ. Do đó việc không chi quá nhiều trong một kỳ chuyển nhượng là chuyện hết sức bình thường.

Còn lại thì Manchester United dưới thời của Sir Jim Ratcliffe cũng đã đi theo chính sách này trong kỳ chuyển nhượng Hè 2024, thông qua việc đảm bảo chính sách đưa về cầu thủ trẻ, không chi bất chấp để đạt được bất cứ bản hợp đồng nào để đảm bảo sự hợp lý giữa chất lượng cầu thủ và số tiền bỏ ra. Liverpool thì đang trong thời kỳ huấn luyện viên Arne Slot làm quen và ổn định đội hình là chính, sẽ không tham gia quá nhiều vào thị trường chuyển nhượng. Tottenham xưa nay vẫn không phải là câu lạc bộ chi nhiều tiền cho chuyển nhượng, còn Aston Villa đơn giản chỉ là bổ sung đội hình để chinh chiến nhiều mặt trận trong mùa giải mới sau nhiều mùa giải chi tiêu tiết kiệm.

Nhìn sang những giải đấu khác như Ligue 1 thì chỉ có mỗi Paris Saint-Germain là chịu chi, nhưng huấn luyện viên Luis Enrique lại đang trong quá trình ổn định lại đội hình chứ không phải là mạnh mẽ lấy thêm tân binh. Còn Serie A thì lâu nay vẫn là giải đấu chi tiêu lấy tiết kiệm là chủ đạo.

Do đó những cái tên dù xuất sắc nhưng bị hét giá trên trời, hoặc đòi hỏi mức lương quá cao như Victor Osimhen, Alexander Isak, Frenkie de Jong… câu lạc bộ có muốn bán thì cũng không có đội nào mua về, dù chỉ mới một vài mùa trước đây những cái tên này đều là “mặt hàng hot” được những câu lạc bộ hàng đầu xếp hàng hỏi mua. Có thể thấy, sau một khoảng thời gian giá trị cầu thủ tăng phi mã, vượt xa giá trị thực của bản thân cầu thủ đó, thì mọi chuyện đang được hạ nhiệt, đưa về đúng vị trí vốn có của nó. Cách “đi chợ” khôn ngoan mà mang lại giá trị tối đa của chủ tịch Florentino Perez có lẽ chính là hình mẫu mà các câu lạc bộ lớn hiện nay sẽ hướng tới.

CAO DUY