Đội tuyển Hà Lan đã trả món nợ trận thua 2-3 trước đội tuyển Đức trước đó, cũng trong khuôn khổ bảng C vòng loại Euro 2020, bằng một trận lội ngược dòng 4-2 đầy ngoạn mục. Đây là trận đấu cho thấy lớp trẻ của đội tuyển Hà Lan đang có sự trưởng thành và vượt trội ngày một rõ ràng so với các cầu thủ trẻ đội tuyển Đức.
Đội tuyển Hà Lan đã trả món nợ trận thua 2-3 trước đội tuyển Đức trước đó, cũng trong khuôn khổ bảng C vòng loại Euro 2020, bằng một trận lội ngược dòng 4-2 đầy ngoạn mục. Đây là trận đấu cho thấy lớp trẻ của đội tuyển Hà Lan đang có sự trưởng thành và vượt trội ngày một rõ ràng so với các cầu thủ trẻ đội tuyển Đức.
Có thể nói đây là cuộc đối đầu giữa 2 đội bóng đang rất tích cực trẻ hóa đội hình, mục tiêu không gì khác là lướt qua giai đoạn đi xuống sau một khoảng thời gian thế hệ cầu thủ đi trước đã có tuổi, nhưng lại không có thế hệ kế cận có trình độ tương đương hoặc tốt hơn để duy trì sức mạnh của đội bóng. Với những nền bóng đá phát triển như Đức và Hà Lan, những nốt trầm như vậy là không thể chấp nhận được.
Đối với đội tuyển Hà Lan mà nói, sau thế hệ vàng của những Van Persie, Wesley Sneijder, Arjen Robben, Van der Vaart… là một khoảng trống mênh mông không thể nào khỏa lấp. Khi mà những cầu thủ trụ cột như Van Persie, Wesley Sneijder, Arjen Robben… ngày một cao tuổi, không thể gánh vác nổi trọng trách đưa đội tuyển Hà Lan tới những thành công, thì thế hệ kế cận vẫn không có được sự kế thừa tương xứng. Hậu quả là đội tuyển Hà Lan không thể vượt qua nổi vòng loại Euro 2016, không thể góp mặt tại World Cup 2018, và hiển nhiên đó là một sự sỉ nhục đối với một nền bóng đá đã từng sản sinh ra những ngôi sao như Johan Cruyff, Ruud Gullit, Van Basten… Và công cuộc tái thiết một cách triệt để đã được trao cho Ronald Koeman.
Kết quả là, một đội tuyển Hà Lan hoàn toàn mới, với những cái tên trẻ măng mới nổi lên như Steven Bergwijn, Donyell Malen, Frenkie de Jong, Matthijs de Ligt… thi đấu bên những tên tuổi đã vào độ chín như Virgil van Dijk, Memphis Depay, Georginio Wijnaldum, Marten de Roon… Một Hà Lan tươi mới hơn, giàu sức chiến đấu hơn, đang thi đấu ngày một tiến bộ, kết hợp được giữa sức trẻ và kinh nghiệm, khiến cho người hâm mộ có lòng tin vào một tương lai tươi sáng, có thể tìm lại được vầng hào quang trong quá khứ.
Tương tự như đội tuyển Hà Lan, đội tuyển Đức sau một thế hệ vàng đã giúp họ vô địch World Cup 2014, với những tên tuổi như Philipp Lahm, Mats Hummels, Bastian Schweinsteiger, Miroslav Klose, Thomas Muller… cũng đã rơi vào một giai đoạn khủng hoảng. Đó là giai đoạn mà đội tuyển Đức bị loại ngay từ vòng 1 World Cup 2018, cùng với hàng loạt những trận đấu với phong độ khá tệ sau đó, đặc biệt là những trận đấu tại UEFA Nations League. Nguyên nhân được nhìn nhận là do việc quá coi trọng các cựu binh tuổi tác đã lớn, mà không tạo cơ hội cho các cầu thủ trẻ của huấn luyện viên Joachim Low, đồng thời chất lượng của các cầu thủ thế hệ kế cận của đội tuyển Đức được cho rằng đang có độ chênh khá lớn với các cầu thủ đàn anh.
Có thể nói, trận thua đau 0-3 trước một đội tuyển Hà Lan trẻ trung tại UEFA Nations League chính là một cú tát vào sự cố chấp của huấn luyện viên Joachim Low, và vị huấn luyện viên này hiểu ông phải thay đổi nếu như vẫn còn muốn giữ chiếc ghế huấn luyện viên trưởng đội tuyển Đức. Ngay sao đó, hàng loạt trụ cột đã cao tuổi của đội tuyển Đức như Jerome Boateng, Mats Hummels, Thomas Muller, Mesut Ozil… không được gọi lên đội tuyển nữa, cộng thêm sự chia tay đội tuyển của những Philipp Lahm, Bastian Schweinsteiger, Miroslav Klose… đã giúp cho đội tuyển Đức rộng cửa “thay máu”. Để rồi những tên tuổi trẻ như Niklas Stark, Lukas Klostermann, Maximilian Eggestein, Kai Havertz, Joshua Kimmich, Timo Werner… có cơ hội thể hiện bản thân.
Với những sự thay máu như vậy, đội tuyển Đức đã có những sự “thay da đổi thịt” khá rõ nét. Bằng chứng hữu hiệu nhất chính là trận thắng chính đội tuyển Hà Lan 3-2 trong khuôn khổ bảng C vòng loại Euro 2020. Bất quá, đó vẫn là một trận thắng nhọc khi đội chiếm ưu thế vẫn là đội tuyển Hà Lan, với 54% thời lượng kiểm soát bóng, 17 lần dứt điểm, 44 pha tấn công nguy hiểm, so với 46% thời lượng kiểm soát bóng, 11 lần dứt điểm, 27 pha tấn công nguy hiểm của đội tuyển Đức. Vấn đề là đội tuyển Hà Lan đã không tận dụng tốt những cơ hội mà họ có. Nhưng sang đến trận lượt về cũng trong khuôn khổ bảng C vòng loại Euro 2020 mọi chuyện lại thay đổi, khi đội tuyển Hà Lan ngoài việc vẫn chiếm ưu thế ra, thì đã dứt điểm tốt hơn và dành chiến thắng với tỷ số 4-2.
Có vẻ như các cầu thủ trẻ của đội tuyển Hà Lan đang có những bước tiến bộ, trưởng thành nhanh hơn, so với các cầu thủ trẻ của đội tuyển Đức. Frenkie de Jong đã rời quê nhà thi đấu cho Barcelona, Matthijs de Ligt thi đấu cho Juventus, Donyell Malen và Steven Bergwijn tuy vẫn đang thi đấu cho PSV nhưng đang được rất nhiều ông lớn châu Âu để ý, ngoài ra còn có Georginio Wijnaldum thi đấu cho Liverpool, Virgil van Dijk thi đấu cho Liverpool… Trong khi đó, nhìn sang đội tuyển Đức, những cầu thủ đang thi đấu cho các câu lạc bộ lớn của châu Âu thì hầu hết là các cựu binh như Emre Can, Ilkay Gundogan, Toni Kroos, Antonio Rudiger… Còn những tên tuổi trẻ của đội tuyển Đức thì hầu hết vẫn đang thi đấu trong nước. Được va chạm nhiều hơn, tích lũy kinh nghiệm phong phú hơn, đã giúp cho các cầu thủ trẻ đội tuyển Hà Lan tiến bộ nhanh chóng, và có vẻ như đã có phần vượt trội hơn so với các cầu thủ trẻ đội tuyển Đức.
Cao Duy