04:07, 08/07/2014

Joachim Loew chọn lối chơi nào cho đội tuyển Đức?

Đội tuyển Đức ở Vòng chung kết World Cup 2014 là một tập thể mạnh, đồng đều, có sự kết hợp giữa kinh nghiệm của lớp cầu thủ lớn tuổi với một dàn cầu thủ trẻ đã chinh chiến nhiều trên đấu trường quốc tế. Vì thế, đội tuyển Đức được xem là một trong những ứng cử viên hàng đầu cho danh hiệu vô địch World Cup 2014.

Đội tuyển Đức ở Vòng chung kết World Cup 2014 là một tập thể mạnh, đồng đều, có sự kết hợp giữa kinh nghiệm của lớp cầu thủ lớn tuổi với một dàn cầu thủ trẻ đã chinh chiến nhiều trên đấu trường quốc tế. Vì thế, đội tuyển Đức được xem là một trong những ứng cử viên hàng đầu cho danh hiệu vô địch World Cup 2014. Nhưng cho đến hôm nay, khi mà World Cup đã đi đến những trận đấu cuối cùng, khi mà đội tuyển Đức đã lập được kỷ lục 4 lần liên tục vào bán kết World Cup, thì vị thuyền trưởng của con tàu Đức là Joachim Loew vẫn chưa làm cho người hâm mộ cảm thấy thực sự yên tâm.

 

Huấn luyện viên Joachim Loew chưa cho thấy bản sắc và tầm ảnh hưởng của mình.


Joachim Loew có thể nói là “đệ tử” của Jurgen Klinsmann, người đã đưa đội tuyển Đức tới một cuộc cải tổ về lối chơi tấn công đẹp mắt, cống hiến hơn; đồng thời là một người hâm mộ phong cách huấn luyện của Pep Guardiola - nổi danh với chiến thuật tiki taka ở câu lạc bộ Barcelona trước đây và câu lạc bộ Bayer Munich hiện nay. Cho nên, việc Joachim Loew áp dụng chiến thuật này vào đội tuyển Đức cũng là điều có thể lý giải được.


Nhưng việc áp dụng một chiến thuật của một đội bóng khác, huấn luyện viên khác vào đội bóng của mình huấn luyện, không đơn giản như là cắt dán, lắp ghép cầu thủ vào bộ khung chiến thuật là xong, mà còn phải biết “liệu cơm gắp mắm”, phải biết biến báo, phải biết đưa những cầu thủ phù hợp vào vị trí phù hợp, phải biết điều chỉnh nó những lúc cần thiết. Nhưng đáng tiếc là, có vẻ như những điểm này Joachim Loew vẫn còn thiếu.


Trong các trận ở vòng bảng, Joachim Loew đều sử dụng chiến thuật tiki taka theo phong cách không có tiền đạo cắm, đưa Philipp Lahm lên làm tiền vệ phòng ngự, hỗ trợ cho Ozil và Schweinsteiger, cùng với Mueller, Gotze, Kroos hoặc Podolski ở tuyến trên hình thành thế tấn công áp đặt bằng cách sử dụng các đường chuyền ngắn, chọc khe để tạo cơ hội ghi bàn. Nhưng đội tuyển Đức lại thiếu những cầu thủ chạy cánh thực sự tốt, hoặc những hậu vệ cánh mạnh về dâng cao hỗ trợ tấn công, cùng với cầu thủ có thể hình tốt, điều mà Lahm và Schweinsteiger thiếu, để làm nhiệm vụ đánh chặn. Hậu quả độ tuyển Đức đã có những trận đấu “hú hồn” khi gặp những đội tuyển sử dụng lối đá thể lực, dùng sức mạnh đè ép Lahm và Schweinsteiger, hoặc dùng tốc độ thọc sâu vào hai cánh của Howedes và Mustafi vốn thừa sức mạnh, thiếu tốc độ. Việc Joachim Loew thay đổi nhân sự liên tục khu vực giữa sân khi mà không biết dùng Ozil như thế nào cho phù hợp, không rõ nên dùng Khedira hay là Schweinsteiger, nên dùng Kroos hay Gotze hay là dùng cả hai cho thấy sự lúng túng của ông khi điều phối nhân sự phù hợp cho chiến thuật thi đấu.


Khi bước vào một cuộc đấu sinh tử với đối thủ cân sức là đội tuyển Pháp, đây không còn là sân chơi của sự sai lầm, không còn là đất của những sự thử nghiệm, thì Joachim Loew đã làm một điều mà đáng lý ra ông phải làm từ lâu, đó chính là trả đội tuyển Đức về lại đúng hình thù của nó, là một “cỗ xe tăng” lừng lững, luôn đè ép, nghiền nát đối thủ cho dù đối thủ là ai, cho dù chỉ là thắng tối thiếu. Lối đá của Đức, là sự kỷ luật, là lối đá đầy tính khoa học và tính toán. Cho dù đội tuyển Đức có vận hành như thế nào, thì chủ đạo của nó vẫn là những cái đầu lạnh, những đường chuyền chính xác từng centimet, những pha ghi bàn đơn giản, không màu mè nhưng chuẩn xác như đã được lập trình. Việc của Joachim Loew là gì? Đơn giản chỉ là trả những cầu thủ về với đúng vị trí của nó, Lahm về lại hậu vệ phải, Khedira đá vị trí sở trường cùng Schweinsteiger ở giữa sân, sử dụng tiền đạo cắm là Klose, Muller đá dạt trái với Ozil, Kross hộ công. Việc còn lại, là để cho đội tuyển Đức vận hành một cách xù xì gai góc như nó vốn có.


Nếu không ngoài dự đoán, đội tuyển Đức trong trận bán kết gặp Brasil cũng sẽ sử dụng chiến thuật tương tự. Một câu hỏi được đặt ra, vậy bản sắc và tầm ảnh hưởng của Joachim Loew là ở đâu? Trong các đội vào bán kết, các huấn luyện viên đều đã thể hiện tầm ảnh hưởng của chính mình lên đội bóng, đối với Scolari đó là sự thực dụng; đối với Van Gaal, đó là sự nhạy cảm trong sự thay người; đối với Sabella đó là dám thay đổi trong chiến thuật. Vậy còn Joachim Loew là gì? Đưa đội tuyển Đức đi một vòng rồi trở về điểm xuất phát chăng?


Trước khi thay đổi phong cách, đội tuyển Đức đã ba lần vô địch World Cup, ba lần vô địch Euro; sau khi thay đổi phong cách, đội tuyển Đức đã vẫn chưa có một lần bước lên ngôi vô địch ở các giải đấu mang tầm cỡ quốc tế. Như người ta thường nói, đẹp làm gì khi mà không có chiến thắng? Tất cả những thay đổi, đều phải dựa trên nền tảng truyền thống, tố chất cầu thủ của đội bóng, điều này có vẻ như Joachim Loew vẫn chưa làm được. Trước mắt, đội tuyển Đức chỉ còn một trận đấu nữa để bước vào trận chung kết, quyết định lối đi cho đội tuyển là điều kiện tiên quyết để đi tới chiến thắng, đã không còn thời gian để Joachim Loew lưỡng lự, mong rằng ông sẽ có những quyết định sáng suốt mang lại thắng lợi cho đội tuyển.


C.D