06:06, 13/06/2014

Tây Ban Nha - Hà Lan (bảng B, 2 giờ ngày 14-6): Oan gia ngõ hẹp

Trận đấu được mong chờ nhất ở bảng B sẽ diễn ra giữa đội tuyển Tây Ban Nha và Hà Lan. Lá thăm oan nghiệt buộc 2 đối thủ nặng ký phải chạm trán ngay từ vòng đầu tiên, tái diễn trận chung kết World Cup 2010…

Trận đấu được mong chờ nhất ở bảng B sẽ diễn ra giữa đội tuyển Tây Ban Nha và Hà Lan. Lá thăm oan nghiệt buộc 2 đối thủ nặng ký phải chạm trán ngay từ vòng đầu tiên, tái diễn trận chung kết World Cup 2010…


4 năm trước, Hà Lan và Tây Ban Nha đều có binh hùng tướng mạnh trong tay. Vậy nhưng, số mệnh đã gọi tên đội bóng xứ sở bò tót với bàn thắng muộn của Iniesta ở hiệp phụ thứ 2. Tây Ban Nha đăng quang với một lối chơi lạ lẫm, không có tiền đạo. Hà Lan về nhì trong sự tiếc nuối của rất nhiều người hâm mộ túc cầu vì họ là một tập thể đồng đều với nhiều tài năng đạt độ chín.


4 năm trôi qua, trong khi Tây Ban Nha tiếp tục duy trì phong độ với nguồn bổ sung dồi dào đến thừa mứa thì Hà Lan lại tụt dốc bởi thiếu các nhân tố kế thừa cũng như những lục đục nội bộ. 2 năm trước, Tây Ban Nha vẫn thăng hoa ở đấu trường châu Âu nhưng Hà Lan phải về nước sớm khi không qua nổi vòng bảng. Trong đội hình Hà Lan dự vòng chung kết lần này, chỉ có vài ngôi sao thành danh như Robben (Bayern Munich), Persie (Manchester United), một số lão tướng trôi dạt như Kuyt, Hunteerlar, Sneijder, De Jong. Còn lại là những cái tên rất lạ lẫm, chỉ thi đấu ở những câu lạc bộ trong nước và các đội bóng tầm trung của Premier League như Newcastle, Norwich, Swansea, Aston Villa. Có lẽ điều mà Huấn luyện viên (HLV) Van Gaal muốn là trẻ hóa đội hình để khơi dậy khát vọng, đam mê và đề cao tính kỷ luật, đoàn kết của các cầu thủ trẻ.

 

 

Nhìn lại quá trình vòng loại của Hà Lan, rõ ràng họ đã gặp may khi rơi vào bảng quá nhẹ. Một Rumani nhì bảng còn để thua Hy Lạp trong lượt play-off thì thành tích thắng như chẻ tre của Hà Lan xem ra cũng chẳng mấy ý nghĩa. Vì thế, ở trận đấu đêm nay, chẳng phải vô cớ mà một HLV nổi tiếng chơi đẹp như Van Gaal lại chủ trương tử thủ trước Tây Ban Nha. Xét cho cùng, điều đó cũng là hợp lý bởi Tây Ban Nha có đội hình cực mạnh. Các vị trí của họ đều là những ngôi sao hàng đầu thế giới và các cầu thủ dự bị cũng không chênh lệch về đẳng cấp. Toàn bộ họ đều đang chơi ở những câu lạc bộ hàng đầu châu Âu. Và nếu xét ở giá trị tiền tệ thì đội hình của họ là vô địch trong 32 đội bóng tham gia vòng chung kết. Đã thế, nguồn bổ sung dường như bất tận đến độ nhiều ngôi sao còn phải ngồi nhà. Quan trọng nhất, họ vẫn được dẫn dắt bởi Del Bosque, HLV cực kỳ lão luyện. Xét về mặt chiến thuật, năm nay, việc bổ sung Costa vào đội hình dường như đã là miếng ghép cuối cùng cho chiến thuật 4-6-0 mà Del Bosque đã áp dụng thành công cho Tây Ban Nha vài năm trở lại đây. Khi Tây Ban Nha lên ngôi vô địch thế giới và châu Âu bởi lối chơi không tiền đạo, thực ra không phải mọi trận đấu đều suôn sẻ bởi có nhiều trận, họ không thể ghi bàn dù có rất nhiều mũi tấn công. Ở những trận đấu đó, nếu có tiền đạo đẳng cấp có khả năng tác chiến độc lập, thu hút được sự chú ý của đối phương, các mũi tấn công khác sẽ hiệu quả hơn nhiều. Song thời điểm đó, các tiền đạo của họ hoặc là xuống phong độ hoặc là không đủ khả năng đáp ứng yêu cầu chiến thuật của HLV. Với Costa, rõ ràng yêu cầu đó đã đáp ứng được và minh chứng rõ ràng nhất là việc Villa đã ghi cú đúp trong trận giao hữu với El Savador mới đây khi Costa lần đầu tiên chơi cho đội tuyển. Do đó, lối chơi Tây Ban Nha tại giải lần này hẳn còn tiềm ẩn rất nhiều bất ngờ.


Trở lại trận đấu đêm nay, có lẽ người hâm mộ sẽ được chứng kiến cuộc chiến cân não giữa 2 HLV hàng đầu thế giới. Một bên binh hùng tướng mạnh với những ngón đòn bí ẩn và một bên là một tập thể trẻ khát khao chứng tỏ. Song vì đây chưa hẳn là cuộc chiến một mất một còn nên kết quả hòa vẫn sẽ làm hài lòng cả 2 đội.


THANH HÀO