Trái bóng Barazuca sắp lăn trên sân vận động Arena, TP. Sao Paulo của đất nước vũ điệu samba Brazil để cuốn hàng tỷ người hâm mộ mê bóng đá - kỳ World Cup - bắt đầu.
Trái bóng Barazuca sắp lăn trên sân vận động Arena, TP. Sao Paulo của đất nước vũ điệu samba Brazil để cuốn hàng tỷ người hâm mộ mê bóng đá - kỳ World Cup - bắt đầu. Tuy nhiên, khác với một thời sôi nổi tới cháy bỏng trước đây, tất cả đều bình lặng… Và trong ký ức của nhiều người thì ngày đó đã xa nhưng rất ấn tượng tới khó quên!
Chàng Mario Kempes của xứ sở Tango Argentina năm 1978 tới Tây Ban Nha 1982
Với nhiều người Việt Nam, những hình ảnh đầu tiên về ngày hội bóng đá thế giới qua truyền hình được tổ chức vào năm 1978 tại đất nước Argentina xa xôi. Ngày đó chưa có truyền hình trực tiếp, chỉ là những băng hình phát lại sau đó có khi cả tuần lễ nhưng thực sự ấn tượng về những trận đấu rực lửa trên sân cỏ và hình ảnh chàng cầu thủ lừng danh với mái tóc bồng bềnh với cái tên cũng rất đẹp Mario Kempes hạ gục những cơn lốc màu da cam Hà Lan trong trận chung kết của “thánh Jonhan”. Thực ra, Johan Cruyff đã bỏ cuộc chơi, không tham dự, nhưng với đội Hà Lan khi đó không ai có thể thay thế Cruyff!
Tôi vẫn nhớ ở Nha Trang khi đó, những buổi phát băng hình trận đấu rất đông người xem, màn hình đen trắng bé xíu 14 inch của Nhật còn sót lại thời trước, nếu ti vi Mỹ màn hình to đều, chạy bóng đèn thì phía sau máy phải dành cả cái quạt riêng để “phục vụ” nó với mục đích để làm nguội những cái bóng đèn rực đỏ trong lòng máy! Còn người xem thì tháo mồ hôi như trong lò hơi mà vẫn khoái! Bởi cả xóm hàng mấy chục gia đình may ra mới có một nhà có ti vi để xem.
Nếu như World Cup năm 1978 chỉ là vớt vát ban đầu của phận xem lại thì tới Tây Ban Nha năm 1982 thực sực ấn tượng, bởi lẽ chúng ta đã được truyền thông báo chí khi đó là phát thanh, báo giấy và riêng với truyền hình thì chúng ta đã xem được những trận đấu phát lại tương đối gần và bài hát của giới trẻ nhại bài dân ca Ý “Khi tia nắng ban mai tràn khắp phố phường…” làm rạo rực muôn trái tim tới xứ sở bò tót… Người hâm mộ bắt đầu ngỡ ngàng trước một thiên tài bóng đá xuất hiện, đó là cậu bé vàng Maradona tóc quăn tít, ra sân chỉ ít phút và bị đuổi khỏi sân! Nhưng buồn cười nhất vẫn là vị vua của giải chính là chàng cầu thủ Paolo Rossi vừa thoát án bán độ chạy thẳng ra sân bay theo đoàn quân thiên thanh của Dino Zoff thành đấu sĩ hạ gục cỗ xe tăng Đức giành cúp vàng và vua phá lưới giải! Người xem lần đầu tiên thấy hình ảnh những danh thủ siêu hạng “đẹp như mơ” của Brazil như: Zico, Falcao, bác sĩ nhi khoa Socrates múa trên sân cỏ cũng như ám ảnh kinh hoàng những hung thần bóng đá là các hậu vệ Ý Zetile, hay thủ môn đội Đức Schumacher nện vỡ hàm cầu thủ Pháp Battiton.
Rực lửa Mexico 1986 tới mùa hè Italia 1990… ấn tượng cuối cùng!
Khoan hãy nói tới những trận đấu trên độ cao hơn 3.000m giữa trưa nắng mà nói tới danh từ “Hoa sen”! Đó là lần đầu tiên người xem truyền hình Việt Nam được nước bạn lớn Liên Xô giúp cho xem miễn phí qua trạm vệ tinh mặt đất mang tên Hoa sen! Chắc ngày đó vấn đề bản quyền đơn giản nên cho nhau thoải mái! Tuy nhiên, mỗi khi được xem, cả triệu người xem đều hồi hộp trước dòng chữ “Nếu kỹ thuật cho phép… chúng tôi sẽ phát…” và tới giờ đấu ai cũng thót tim nhìn màn hình đầy nhiễu chạy ngang chạy dọc để chờ hình bóng cầu thủ trên sân Axtexca vĩ đại! Và nhiều trận phải tiu nghỉu vì tín hiệu từ Liên Xô không sang tới Việt Nam. Riêng tại Khánh Hòa, khi đó đài truyền hình rất cố gắng lắp chảo và thu được nhưng lại toàn tiếng Nga nên mới có chuyện phải nhờ một phiên dịch là thầy giáo dạy tiếng Nga ở trường Lý Tự Trọng “bình luận” . Tuy vậy, do nghiệp dư nên người dịch “chạy không kịp cầu thủ”, nên rất buồn cười, cuối cùng nhiều nhà đành tắt tiếng xem hình để tập trung…
Trở lại sân cỏ Mexico 1986, chúng ta làm sao quên cuộc so giày vĩ đại nhất trong lịch sử World Cup hiện đại giữa thiên tài Maradona và Michael Platini! Tất cả thế giới đều lên mây xanh khi chiêm ngưỡng tài nghệ siêu phàm của Maradona hạ gục đội Bỉ, Anh, Đức… Hình ảnh chiếc cúp vàng trong tay Maradona chói rực trong nắng hè Mexico không sao quên được. Rồi sau này mãi mãi loài người không được có cảnh thứ hai huy hoàng này!
World Cup năm 1990 tại đất nước Italia hấp dẫn không phải trận đấu mà bài hát “Mùa hè Italia” làm ta rạo rực vô biên… và chắc có lẽ đó là niềm hứng khởi cuối cùng của chúng ta về World Cup bởi sau này ở Mỹ, Pháp, Nhật Bản - Hàn Quốc, Nam Phi và Brazil tất cả đều đầy đủ, tràn trề như thác lũ về thông tin… nên thấy bình thường. Chúng ta cũng thấy một kênh truyền thông hấp dẫn chỉ sau truyền hình trực tiếp là “tin nhanh World Cup” của báo giấy hoàng kim suốt 4 kỳ giải tới năm 2014 cũng đã hết! Thời báo Internet, truyền hình HD, 3D, 4K đã làm thay đổi thế giới nhưng không thể xóa nhòa ký ức tuyệt vời năm xưa về bóng đá thế giới!
LÊ ĐỨC DƯƠNG