Trong câu chuyện thể thao vỉa hè buổi sáng, chủ đề bắt đầu bằng việc dự đoán những cái tên ứng cử viên cho chức vô địch World Cup 2014. Này thì huyền thoại Johan Cruyff nhận định chủ nhà Brazil sẽ giành cúp vàng ở quê nhà.
Trong câu chuyện thể thao vỉa hè buổi sáng, chủ đề bắt đầu bằng việc dự đoán những cái tên ứng cử viên cho chức vô địch World Cup 2014. Này thì huyền thoại Johan Cruyff nhận định chủ nhà Brazil sẽ giành cúp vàng ở quê nhà. “Người đặc biệt” Mourinho lại tin tuyển Anh sẽ có lần thứ 2 bước lên ngôi cao nhất của bóng đá thế giới... Lúc nhắc đến “tam sư”, anh bạn đồng nghiệp nhanh nhảu... “gia cát dự” sư tử Anh sẽ về nước sớm. Đến cái tên Tây Ban Nha, anh bạn lại lắc đầu, bảo nhà đương kim vô địch vào đến bán kết là cùng. Nghe cũng có lý khi trong 4 cái tên ứng cử viên hàng đầu mà nhà cái đưa ra thì đội bóng xứ sở bò tót đứng chót, lần lượt sau Brazil, Argentina và Đức. Đến lượt mình thì lắc đầu chào thua, dù 2 năm trước đã rất hả hê khi dự đoán trúng phóc nhà vô địch Euro 2012 trước khi bóng lăn.
Chủ đề lại dịch chuyển sang các cặp đấu hấp dẫn: Tây Ban Nha - Hà Lan, Anh - Italia, Đức - Bồ Đào Nha, Italia - Uruguay, Brazil - Mexico... Giây phút ấy, thoáng trong đầu hiện lên tựa sách “Ván bài lật ngửa” của tác giả Nguyễn Trương Thiên Lý. Một cuộc đấu trí của 2 nhân vật - cũng là 2 chiến tuyến Nguyễn Thành Luân và Ngô Đình Nhu trong một ván bài mà mọi con bài đều lật ngửa. Cái hay ở đây chính là một cố vấn Ngô Đình Nhu đầy mưu lược, biết rõ mình đang chơi ván bài lật ngửa nhưng vẫn đi đến thất bại.
Trở lại với những cặp đấu hấp dẫn kể trên, bỗng nghĩ với những quân bài mà các đội có trong tay ấy, mọi ván bài như cũng lật ngửa, cho dù mới chỉ ở vòng bảng. Bởi, cũng chẳng khó để các nhà cầm quân của các đội đọc được ý nghĩ trong đầu nhau về các phương án chiến thuật, cho dù đối phương có thêm nhân tố này, nhân tố nọ, mà có lẽ cũng chẳng cần thiết giấu bài khi chỉ nhìn vào danh sách công bố đội hình cũng có thể hình dung ra. Tây Ban Nha có gì khác hơn với tiqui-taca được làm mới đôi chút, biến hóa với sơ đồ không tiền đạo hoặc là sự đột biến của nhân tố mới Costa. Italia vẫn trông chờ vào “chìa khóa” Pirlo với những đường chuyền mẫu mực, những bàn thắng mẫu mực, hay ở Argentina là đôi chân ma thuật của Messi, tương tự ở Bồ Đào Nha là Ronaldo...
Còn gì thích thú bằng những cặp đấu cân sức cân tài sẽ chơi trong những ván bài kiểu như thế. Kiểu như một tuyển Italia đầy hiệu quả ở Euro 2012 cũng bất ngờ thảm bại dễ dàng đến 0-4 ở trận chung kết trước Tây Ban Nha, dù trước đó biết rõ sự ảo diệu của đội hình không tiền đạo với con số 9 ảo...
B.T