04:03, 04/03/2014

SEA Games, vở kịch không hồi kết

Nước chủ nhà của Đại hội thể thao Đông Nam Á năm 2015 - Singapore - vừa tuyên bố sẽ xem xét để loại tiếp các môn bóng đá nữ, cử tạ và cầu mây khỏi chương trình thi đấu, bất kể 2 trong số đó là những môn thuộc hệ thống thi đấu chính quy của Olympic.

Nước chủ nhà của Đại hội thể thao Đông Nam Á năm 2015 - Singapore - vừa tuyên bố sẽ xem xét để loại tiếp các môn bóng đá nữ, cử tạ và cầu mây khỏi chương trình thi đấu, bất kể 2 trong số đó là những môn thuộc hệ thống thi đấu chính quy của Olympic.

    
Lần gần nhất, bóng đá nữ bị loại khỏi cuộc chơi là ở SEA Games 2011, khi Indonesia là nước chủ nhà. Đây là môn thế mạnh của Việt Nam, cũng như của Thái Lan và cả Myanmar, trong khi Singapore không quá mặn mà đối với cuộc đầu tư. Vì thế, lý do mà Singapore đưa ra cũng xoay quanh việc họ vốn không mạnh môn này, nên rút khỏi chương trình thi đấu là điều dễ hiểu.

 

Đại diện Singapore nhận cờ SEA Games từ tay chủ nhà Myanmar trong lễ bế mạc SEA Games 27.
Đại diện Singapore nhận cờ SEA Games từ tay chủ nhà Myanmar trong lễ bế mạc SEA Games 27.


Trên thực tế, bóng đá nữ chỉ có 1 bộ huy chương, nhưng việc loại các môn trọng điểm của Việt Nam như karatedo, cầu mây, đặc biệt là môn vật (cổ điển và tự do) chắc chắn sẽ buộc lãnh đạo Tổng cục Thể dục thể thao phải điều chỉnh chỉ tiêu huy chương vàng và đồng thời là thứ hạng trên bảng tổng sắp huy chương chung cuộc.


Tất nhiên, quyết định cuối cùng chưa có, vì tới tháng 4, Hội nghị của Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á mới diễn ra, trong đó tập trung vào đánh giá và tạm thời chốt lại số lượng môn thi đấu ở SEA Games 28-2015.
Nhưng có thể thấy, tuyên bố của Singapore khiến nhiều quốc gia trong khu vực âu lo, không chỉ vì một số môn thuộc hệ thống Olympic bị loại khỏi cuộc chơi, mà nghiêm trọng hơn, lề lối làm việc nghiệp dư ở làng thể thao khu vực vẫn tiếp tục leo thang, giống như một vở kịch thiếu đi hồi kết. Tư duy làm thể thao của người Đông Nam Á chẳng thay đổi, dù rằng giới truyền thông và cả dư luận thế giới cũng đã chỉ ra những bất ổn, nghịch lý về lựa chọn số môn thi đấu mang tính vùng miền hơn là chọn môn thuộc Olympic cho sự phát triển thực sự của thể thao khu vực. Gần như quốc gia nào khi nhận được quyền đăng cai đều thể hiện quyền lực kiểm soát cuộc chơi SEA Games, bằng mọi giá phải “thu hoạch” thành tích, ép các thành viên trong khu vực phải ngồi vào bàn thương lượng nhằm tranh thủ tìm kiếm huy chương ở những môn họ không mạnh.


Việc Singapore tuyên bố cân nhắc bỏ bóng đá nữ, cầu mây, vật, cử tạ, bóng chuyền và karatedo khỏi chương trình thi đấu suy cho cùng cũng là để tạo ra cuộc chạy đua ở phía hậu trường, dễ dàng thương lượng chia chác huy chương hơn, không khác biệt nhiều so với những kỳ đại hội trước đây. Quốc gia nào đăng cai cũng tự cho mình có “đặc quyền” như thế, thành thử ra vì thể thao “vùng trũng” lún quá sâu vào tình trạng này, nên rất khó thay đổi tư duy, tạm thời chưa thống nhất được giải pháp triệt tiêu, vẫn phải “sống chung với lũ”.


Chia sẻ ý kiến về vấn đề này, ông Nguyễn Thế Long - Trưởng bộ môn vật Tổng cục Thể dục thể thao cho biết: “Đội tuyển vật vẫn đang tập luyện, nếu môn vật bị loại là đáng tiếc vì đây là môn thể thao Olympic đồng thời Việt Nam có thế mạnh vượt trội. Hy vọng quyết định sẽ thay đổi từ chủ nhà”. Còn ông Vũ Sơn Hà - Trưởng bộ môn karatedo Tổng cục Thể dục thể thao nói: “Theo tôi được biết, karatedo không phải thế mạnh của chủ nhà Singapore, đồng thời Liên đoàn karatedo Singapore và Ủy ban Olympic Singapore đang có những khúc mắc nên nước bạn dự định loại môn này khỏi chương trình. Không có karatedo, các vận động viên của chúng tôi mất thêm cơ hội thi đấu và phần nào ảnh hưởng tới thành tích chung của đoàn. Các quốc gia vẫn đang yêu cầu chủ nhà đưa trở lại chương trình và hy vọng sẽ được chấp thuận”.
Ông Hoàng Vĩnh Giang - Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam cho rằng: “Chủ nhà dự kiến bỏ một số môn thi đấu như vật, karatedo hay bóng đá nữ… ở SEA Games 28 ít nhiều làm ảnh hưởng tới thành tích các quốc gia, trong đó có chúng ta. Hiện tại, chúng tôi vẫn đang vận động để môn vovinam tiếp tục trong chương trình thi đấu. Có nhiều quốc gia ủng hộ môn này của Việt Nam. Cuối tháng 4, ở cuộc họp tại Singapore, sẽ có quyết định chính thức về số môn thi đấu”.


LÊ QUANG (SGGP)