Xin được ghi lại cuộc trao đổi ngắn trên một diễn đàn của người hâm mộ thể thao nhân xem trực tiếp lễ khai mạc Olympic mùa đông Sochi 2014 tại Nga sau đây. Nhiều người ồ lên khi thấy có đoàn Thái Lan, Philippines và cả Đông Timor của khu vực Đông Nam Á góp mặt.
Xin được ghi lại cuộc trao đổi ngắn trên một diễn đàn của người hâm mộ thể thao nhân xem trực tiếp lễ khai mạc Olympic mùa đông Sochi 2014 tại Nga sau đây. Nhiều người ồ lên khi thấy có đoàn Thái Lan, Philippines và cả Đông Timor của khu vực Đông Nam Á góp mặt. Một người hỏi: “Việt Nam mình có dự không?”, “Việt Nam xứ nóng, lấy gì tham dự”, “Vậy sao... Đông Timor họ dự được?”, “Việt Nam chỉ quan tâm đến SEA Games, mấy cái Olympic này có gì cần thiết đâu mà dự”.
Trao đổi ngắn, nhưng ngẫm lại mới thấy đúng. Chúng ta quan tâm đến Olympic ở mức độ nào? Mở ra trang web chính thức của Ủy ban Olympic Việt Nam ngày 10-2, mục tin tức vẫn còn tin... bế mạc SEA Games 27.
Trong mục sự kiện có cụm Thế vận hội mùa đông Sochi 2014, nhưng thông tin mới nhất bên trong lại là bên lề công tác chuẩn bị cho Olympic! Sự cập nhật thông tin trên website này có lẽ cũng lạnh lẽo như... mùa đông Sochi vậy. Chợt thấy chuyện trao đổi của người hâm mộ như đã nói ở trên chính xác đến không ngờ.
Công bằng mà nói, Olympic mùa đông còn khá xa lạ với chúng ta. Các môn thể thao diễn ra ở đây chỉ xoay quanh băng tuyết. Vậy nên số môn cũng như số bộ huy chương không nhiều, số lượng vận động viên của các quốc gia tham dự cũng không hùng hậu như Olympic mùa hè.
Dù vậy, đây vẫn là Olympic, có mặt ở thế vận hội này khẳng định sự hội nhập và trình độ phát triển của thể thao các quốc gia. Và một khi tinh thần Olympic vượt qua mọi rào cản sắc tộc, văn hóa thì lý do vì là một nước nhiệt đới nên không quan tâm đến Thế vận hội mùa đông đã không còn phù hợp nữa.
Thật lý thú khi chứng kiến đoàn vận động viên, dù rất ít ỏi, của các quốc gia sa mạc châu Phi diễu hành ở Sochi. Đó là hình ảnh không cần diễn tả thêm của tinh thần hội nhập.
Trở lại khu vực, chúng ta chứng kiến cờ Thái Lan, Philippines và Đông Timor rạng rỡ ở Sochi dù mỗi nước chỉ có 1 - 2 vận động viên tham dự. Đặc biệt, Thái Lan còn biết tạo sự quan tâm lớn của hơn 3 tỷ người theo dõi truyền hình trực tiếp trên thế giới khi cử vận động viên - nghệ sĩ vĩ cầm nổi tiếng Vanessa Mea tham dự thế vận hội.
Chưa hẳn các quốc gia Đông Nam Á này có điều kiện về vận động viên hay kinh phí nhiều hơn ta, mà chỉ cần một người đặt chân đến thế vận hội, họ đã cho thấy tư duy hội nhập rõ ràng nhất.
Liệu chúng ta có nên tiếp tục đổ hàng núi tiền cho SEA Games để rồi không ai biết đến và trình độ thể thao mãi ở vùng trũng hay là phải tính đến chuyện hội nhập sâu rộng hơn với thể thao thế giới? Rất nhiều quốc gia đến với Olympic Sochi 2014 không để lấy thành tích mà để thể hiện tinh thần đoàn kết và hội nhập.
Nói là nói thế, chuyện còn lại là của ngành Thể thao, nhất là Ủy ban Olympic Việt Nam nghĩ và làm gì để chúng ta không mãi chậm chân trong quá trình hội nhập.
PHƯƠNG NAM (SGGP)